Yếu tố Trung Quốc đã tác động thế nào tới quyết định của FED?
18/09/2015 16:29:52
ANTT.VN - Rạng sáng nay giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã quyết định không tăng lãi suất sau hai ngày họp kín. Hành động này có thể được hiểu như một dấu hiệu mới nhất, và rõ ràng nhất cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của nền kinh tế Trung Quốc đối với thế giới.

Tin liên quan

Chủ tịch FED bà Janet Yellen đã thừa nhận sau cuộc họp rằng quyết định của bà cùng các đồng sự một phần lớn dựa trên những dấu hiệu tiêu cực từ nền kinh tế đang đi xuống của Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là gì? Điều này có ý nghĩa tái khẳng định rằng Trung Quốc đang thực sự trở thành một thế lực lớn trong nền kinh tế toàn cầu.

“Nếu không phải do Trung Quốc và tất cả những hệ lụy từ Trung Quốc, tôi nghĩ FED đã có thể tăng lãi suất.”, Mickey Levy, nhà kinh tế cao cấp tại Berenberg cho biết.

Trung Quốc đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của toàn thế giới sau khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc hồi tháng trước, cuốn phăng 5000 tỉ USD, bên cạnh việc ngân hàng trung ương nước này phá giá đồng NDT với biên độ lớn nhất trong 2 thập kỉ qua vào ngày 11/8.

“Trung Quốc dần trở thành một yếu tố quan trọng tác động tới quyết định của FED. Nếu cuộc họp diễn ra trong quá khứ, mọi chuyện sẽ khác.”, Tai Hui, nhà chiến lược châu Á tại JPMorgan Asset Management cho biết.

Trung Quốc chiếm 13% GDP toàn thế giới năm ngoái.

Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới thế giới lớn hơn bao giờ hết. Tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc chiếm 13,3% GDP toàn cầu năm ngoái, so sánh với 5% 10 năm trước – theo Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại, với tốc độ tăng trưởng năm nay được dự báo thấp nhất 25 năm qua.

“Trung Quốc ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc nền kinh tế thế giới,”, “Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã, đang, và sẽ ảnh hưởng lớn tới các quốc gia khác cùng hệ thống chính sách tiền tệ của họ.”, David Loevinger, chuyên gia phân tích tại quỹ TCW Group Inc cho biết.

Trọng tâm Trung Quốc

Bà Janet Yellen thừa nhận rằng cuộc họp 2 ngày đã đặt trọng tâm và phân tích rất kỹ những yếu tố tới từ Trung Quốc: “Chúng tôi xem xét tất cả những yếu tố quan trọng trên khắp thế giới, tuy nhiên tập trung đặc biệt vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi,”.

Thị trường chứng khoán lao dốc sau khi đạt đỉnh vào tháng 6.

“Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có chịu thêm một cuộc khủng hoảng nữa trong tương lai hay không.”, bà nói, đồng thời nhấn mạnh lo ngại về tính hiệu quả của những chính sách mà giới chức Bắc Kinh đang thực hiện để giải cứu nền kinh tế.

Sau khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc hồi tháng trước, Bắc Kinh đã áp dụng một loạt biện pháp như yêu cầu các quỹ và công ty nhà nước tăng mua vào để neo giá chứng khoán, đồng thời cắt lãi suất, phá giá đồng Nhân dân tệ và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lớn.

Về phần FED, tỉ lệ lạm phát liên tục nằm cách xa ngưỡng an toàn cho phép họ trì hoãn tăng lãi suất tới khi hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi. Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp đạt 5,1% trong tháng 8 - thấp nhất trong 7 năm qua cũng giúp FED tự tin hơn trong việc chờ đợi tới cuộc họp tiếp theo vào tháng sau hoặc tháng 12 để quyết định có tăng lãi suất trong năm này hay không.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến