Dòng sự kiện:
Nhà xuất bản giáo dục: Đã sai còn đòi thưởng
19/12/2014 15:06:16
Hôm qua (18.12), Trung tâm tác quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã gửi công văn tới Hội Nhà văn Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chính thức đề nghị các cơ quan trên can thiệp giải quyết kịp thời để quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả có tác phẩm in trong SGK được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.

Tin liên quan

SGK Tiếng Việt và những phiếu xác nhận của các nhà văn.

Điều trớ trêu là các công văn gửi Ban Thi đua khen thưởng nhà nước để xét khen thưởng 14 cá nhân, tập thể, NXB Giáo dục “vô tư” khẳng định mình đã hoàn thành nghĩa vụ tác quyền.

Sự đùn đẩy khó hiểu của NXB Giáo dục

Theo công văn này, đầu tháng 4 năm 2014, VLCC tiến hành thống kê và khảo sát bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, phát hiện các tác phẩm văn học được NXB Giáo dục sử dụng trong bộ sách mà chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả trong suốt hơn 10 năm qua.

Tính đến nay, VLCC đã có ít nhất 3 buổi làm việc chính thức, lần gần nhất là 5.12.2014. Tại những cuộc họp trên, các tác giả đều phản đối gay gắt cách làm việc và cách thức chi trả tiền nhuận bút của NXB Giáo dục.

Cho đến nay đã gần 7 tháng kể từ ngày VLCC gửi công văn đến NXB GD đề nghị NXB GD thực hiện việc chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK nhưng quyền lợi của các tác giả vẫn chưa được bảo vệ.

Điều ngạc nhiên là trong suốt thời gian thương thảo, ngoài việc “đá quả bóng trách nhiệm” sang Bộ GDĐT, NXB Giáo dục tìm đủ mọi cách để dây dưa không trả tiền nhuận bút, bản quyền cho các tác giả.

Ngạc nhiên nhất là khi làm công văn gửi Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ GDĐT và NXB Giáo dục lại khẳng định là “đã trả tiền” cho các tác giả (!?).

Cụ thể, trong công văn số 6136/BGDDT-TDKT (do Thứ trưởng Bộ GDDT Đỗ Thị Nghĩa ký ngày 28.10.2014 gửi Ban Thi đua khen thưởng Trung ương về việc đề nghị xét khen thưởng cho NXB Giáo dục) có ghi rõ: “NXB Giáo dục là đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ tổ chức biên tập, in - phát hành cung ứng SGK, sách giáo dục phục vụ các cấp học trong cả nước…

Việc trích dẫn các tác phẩm thuộc nội dung tiết học về nguyên tắc các tác giả biên soạn cần thỏa thuận với các tác giả có tác phẩm được trích sử dụng” và “NXB Giáo dục đã thực hiện việc trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được trích sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn”. Thậm chí, công văn của Bộ GDĐT nêu rõ: “NXB Giáo dục đã chi trả 100.000 đồng đến 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích cùng sách biếu”.

Ngày 12.12.2014, NXB Giáo dục có công văn số 1911/NXBGDVN về việc đề nghị xét thưởng gửi Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tái khẳng định: “Việc chi trả nhuận bút cho các tác giả, NXB Giáo dục đã chi trả đầy đủ theo Nghị định 18”.

Như vậy có thể thấy rõ, khi xin xét thưởng cho 14 cá nhân, tập thể gửi Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Văn phòng Chính phủ thì NXB Giáo dục luôn khẳng định “đã trả tiền”, “đúng chức trách và nhiệm vụ, tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ…”.

Vậy thì tiền đi đâu?

Trong khi VLCC - đơn vị nhận được sự ủy quyền của hơn 500 nhà văn, nhà thơ khẳng định là NXB Giáo dục vẫn chưa trả đúng, trả đủ cho các tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa. Bằng chứng là công văn mới nhất gửi ngày 18.12 tới Hội Nhà văn và Cục Bản quyền.

Để chứng minh cho việc các nhà văn, nhà thơ không nhận được tiền từ NXB Giáo dục, VLCC đã cung cấp những phiếu xác nhận của hàng loạt các nhà văn, nhà thơ. Ví dụ, ông Trần Phương Quang - con trai cố nhà văn Băng Sơn xác nhận là chưa nhận được tiền bản quyền của 8 tác phẩm của nhà văn Băng Sơn là Gió heo may (Tiếng Việt 3, tập 1), Mùa hoa sấu, Nắng trưa (lớp 3, tập 1), Tấm gương...Trường hợp khác, là nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng xác nhận có 10 tác phẩm được sử dụng trong SGK nhưng chưa nhận được tiền từ bất kỳ tổ chức nào.

Vậy thì số tiền mà NXB Giáo dục khẳng định trong những lá đơn xin xét thưởng thi đua đã chạy đi đâu? Hoặc là họ đã trả nhưng những người biên soạn chưa đưa cho các tác giả, hoặc là NXB Giáo dục chưa bao giờ trả nhưng cứ khăng khăng là đã trả đầy đủ.

Lúc này, NXB Giáo dục cần có câu trả lời dứt khoát với VLCC và Hội Nhà văn về câu chuyện tác quyền văn học trong SGK chứ không phải khi làm đơn xin bằng khen, huân chương thì nói cho có, nói lấy được… còn mặc cho VLCC thay mặt các nhà văn cứ phải chạy theo để đòi.

Theo Laodong.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến