Dòng sự kiện:
'Nhật ký của mẹ' được trả tác quyền 5.000 USD cho 1 lần biểu diễn
05/02/2018 10:55:08
Cảm xúc sáng tác khởi nguồn chỉ đơn giản là mong muốn tặng mẹ của mình 1 món quà sinh nhật, song nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng không ngờ “Nhật ký của mẹ” lại được yêu thích không chỉ ở trong nước mà ở cả nước ngoài.

Những con số biết nói

Giữa tháng 12/2017, với ca khúc “Nhật ký của mẹ” nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được Trung Tâm CYBELERE - Đức chi trả 5.000 USD tiền bản quyền cho một lần biểu diễn. Đây là bài hát Việt Nam đầu tiên được 1 nước châu Âu sử dụng và trả tác quyền cao như vậy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Điều khiến Chung vui và tự hào là bài hát tâm đắc nhất của mình được một trung tâm âm nhạc của đất nước Châu Âu sử dụng để biểu diễn cho khán giả nước ngoài thưởng thức! Đó mới là niềm hạnh phúc nhất đối với bất kỳ người nhạc sĩ nào. Niềm hạnh phúc đó, có tiền cũng không mua được và không có số tiền nào có thể so sánh được!”.

Trước đó, khi trung tâm CASA MUSICA khi đưa “Nhật ký của mẹ” vào Tuyển tập những bài hát hay nhất, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đã nhận được 300 Euro tiền tác quyền.

Niềm vui chưa kịp lắng xuống thì mới đây nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại nhận một lá thư xin phép trả tác quyền để được sử dụng ca khúc “Nhật ký của mẹ” trong các chương trình giao lưu Văn hoá Việt - Nhật và đưa vào DVD truyện thiếu nhi cho các trường học tại Nhật Bản.

Bức thư được một chính trị gia Nhật Bản gửi đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Nội dung bức thư được dịch ra như sau: “Chung thân mến! Xin chào cháu, tôi rất hân hạnh được viết thư cho cháu! Tôi nghe tên cháu đã lâu, từ khi tôi biết đến bài hát “Nhật ký của mẹ” do ca sĩ Hải Triều hát. Tim tôi rất xúc động khi nghe từng lời hát và giai điệu thấm đẫm yêu thương trong đó. Mẹ tôi đã mất được 10 năm (từ 2008), ngày xưa khi cha tôi đi lính trong chiến tranh Thế giới thứ 2, mẹ tôi đã chịu bao nhiêu khổ cực và tủi nhục để nuôi nấng và dạy dỗ 2 chị em chúng tôi. Có 1 đêm, mẹ cứ nắm tay 2 chị em chạy mãi, đi mãi, tôi cứ tưởng rằng tất cả chúng tôi sẽ chết. Đến nay, khi đã trưởng thành, không còn mẹ nữa, được nghe bài hát của Chung, tôi cảm thấy nhớ người mẹ kính yêu của tôi vô cùng. Mong Mẹ được bình yên trên thiên đường. Tôi rất mong cháu cho phép tôi được sử dụng bài hát “Nhật ký của mẹ” trong các chương trình giao lưu Văn hoá Việt – Nhật. Tôi xin chân thành cảm ơn cháu!”.

Chia sẻ với báo Dân Việt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã không giấu được niềm vui và sự xúc động cho rằng: “Tuy số tiền không nhiều, nhưng khi đọc được những nhận xét, chia sẻ của một chính trị gia sống tại Hiroshima - Nhật Bản là một điều vô cùng quý giá với bản thân tôi. Và tôi sẽ lưu giữ lại tất cả một kỷ niệm đáng trân trọng trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Điểm đặc biệt, khiến Chung và mọi người xúc động chính là câu chuyện và nguồn cảm hứng của người xin phép được sử dụng đã không ngần ngại chia sẻ. Chung rất vui khi nhận được những lời xin phép sử dụng và tác quyền từ nước ngoài như ở Đức, ở Nhật.

DVD và tiền tác quyền cho Nhật ký của mẹ ở Nhật Bản

Với Nhật ký của mẹ, Chung cũng rất vui khi có 1 bác sĩ bên bệnh viện Từ Dũ – Thành phố Hồ Chí Minh từng gọi điện nói là thay mặt tập thể bác sĩ, y tá, và các mẹ bầu cảm ơn Chung về bài hát ý nghĩa. Bác nói bài hát này cứ như là bài hát truyền thống của bệnh viện, bao năm qua. Đó là niềm hạnh phúc của người sáng tác không tiền nào mua được”.

Nhật ký của mẹ và những kỷ niệm khó quên

“Nhật ký của mẹ” được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết vào năm 2008, năm 2011 được thu âm trong album CD “My Family – Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”. Tháng 3/2012, anh quay MV tranh cát, phát hành trong single DVD “Nhật ký của mẹ” với giọng hát của nữ ca sĩ Hiền Thục. Góp mặt trong Bài hát yêu thích liveshow tháng 7/2013, giải MV có nội dung xuất sắc của Zing Music Awards, đề cử Nhạc sĩ của năm và Bài hát của năm trong Mai Vàng, đề cử Nhạc sĩ của năm ở Cống hiến. Năm 2013, Cục Nghệ Thuật biểu diễn tặng giấy khen cho "Nhật ký của mẹ" vì tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục của bài hát. Năm 2014, ca khúc được nhạc sĩ Yoshimoto Kayo dịch sang lời Nhật và thể hiện bởi ca sĩ gốc Việt – Hải Triều.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca sĩ Hiền Thục

Khi được hỏi điều gì đã khiến "Nhật ký của mẹ" có sức lan tỏa như thế? nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Đặc biệt không phải ở giọng hát Hiền Thục mà điều đặc biệt nằm ở cảm xúc ra đời của tác phẩm cũng như hoàn cảnh của Hiền Thục. Khi thể hiện bài hát này Thục là mẹ đơn thân, 1 mình nuôi bé Gia Bảo. Vất vả đi hát, một thân 1 mình lao động để chăm con, không có chỗ dựa về tài chính và tinh thần. Thục đã khóc rất nhiều trong phòng thu, nhất là ở đoạn "đứa con biết yêu và gặp nỗi buồn trong tình yêu!". Thục đồng cảm và nhìn thấy mình trong ca khúc, điều đó dẫn tới việc Hiền Thục đã bộc lộ được hết, được trọn vẹn cảm xúc của mình trong bài hát dẫn đến sự xúc động của khán giả khi nghe bài hát này. Cũng kể từ đó, anh em chúng tôi trở nên những người bạn thân thiết. Có lần Thục còn tặng bánh kem cho tôi khi giao lưu offfan trong sinh nhật, còn tôi sau đó có viết tặng Thục bài hát “Cuốn tiểu thuyết buồn” mà Hiền Thục cũng đã phát hành.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao

Trong khi nhiều tác giả trong nước, đặc biệt có những nhạc sĩ còn băn khoăn về việc ký ủy thác qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thì mấy năm gần đây, nhờ VCPMC mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận được quyền lợi chính đáng của mình. Anh cho biết: “Tôi phải thừa nhận rằng nhờ có VCPMC mà cuộc sống kinh tế của tôi nói riêng và nhiều nhạc sĩ khác nói chung được cải thiện và ổn định rất nhiều. Hiện giờ tiền tác quyền được nhận qua VCPMC là nguồn thu nhập thụ động ổn định nhất của tôi. Ngoài ra, VCPMC còn giúp đỡ tôi rất tích cực và hiệu quả trong những việc tranh chấp tác quyền những bài hát của tôi đối với nước ngoài và những đơn vị trong nước. Điển hình là vụ tranh chấp với tác phẩm “Vầng trăng khóc” năm 2008 với các nước CHDCND Lào, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc. Mới đây nhất là vụ phái sinh tác phẩm “Chiếc khăn gió ấm” với 1 đơn vị tổ chức gameshow.


DVD truyện thiếu nhi có sử dụng ca khúc “Nhật ký của mẹ” phát hành tại Nhật

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng cho biết nguyên tắc sống của mình, dễ tính và thẳng thắn. Nếu như xin phép sử dụng tác phẩm của anh trong những chương trình từ thiện, chương trình biểu diễn phục vụ tại chùa, trường học, nhà thờ... thì Chung không suy nghĩ gì cả, nhưng biểu diễn ở bất cứ chương trình ca nhạc nào có bán vé hoặc có tài trợ, anh sẽ yêu cầu các ca sĩ phải nghiêm túc và tôn trọng luật bản quyền và thực thi tác quyền đầy đủ, bản thân Chung rất ghét kiểu "tận dụng" và thói quen “xài chùa” của các đơn vị tổ chức hoặc những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng hành xử nghiệp dư.

Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến