Dòng sự kiện:
'Nhảy' vào chứng khoán 6 tháng cuối năm, cần nhận diện những rủi ro gì?
02/07/2021 13:30:29
HoSE sẽ đưa hệ thống giao dịch mới vận hành vào đầu tháng 7/2021, với khả năng xử lý số lượng lệnh giao dịch gấp 3-5 lần, giúp thoát cảnh nghẽn lệnh khiến cho TTCK thăng hoa, VN-Index tiếp cận với đỉnh cao mới.

Điều này kích thích số lượng nhà đầu tư tiếp tục gia nhập đội ngũ F0 ngày một đông đảo hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm. Nhà đầu tư cần nhận diện những khó khăn, rủi ro để có chiến lược đầu tư phù hợp.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chứng khoán tăng mạnh trong khi GDP tăng trưởng thấp là một vấn đề không thể chủ quan mà nên thận trọng khi vai trò hàn thử biểu của TTCK với nền kinh tế đã trở nên tương đối lỏng lẻo. Điều này không phải chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ cũng xảy ra. Vừa qua tại Mỹ, các nhà đầu tư đã thực hiện một cuộc khảo sát và chỉ ra 4 rủi ro lớn đối với thị trường hiện tại, đây cũng là những rủi ro mà các nhà đầu tư Việt Nam cần nhận diện.


Chuyên gia cảnh báo thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7-10%.

Thứ nhất, các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa. Bài học năm 2013 đã xảy ra hiện tượng này và lập tức dòng vốn đầu tư rút từ thị trường mới nổi, rủi ro quay về đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn. Rủi ro thứ hai là lạm phát tăng dẫn đến lãi suất có xu hướng tăng. Thứ ba là biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại, bởi chi phí đầu vào tăng, trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Thứ tư là thuế. Hiện Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng từ con số 15% lên 21%, điều này tác động rất lớn đến TTCK nói chung.

Đối với TTCK Việt Nam, ngoài 4 yếu tố rủi ro nói trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư còn đối diện 2 rủi ro nữa. Thứ nhất là vấn đề nền tảng của nhà đầu tư. 90-95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao, khi thị trường điều chỉnh, họ có thể phản ứng thái quá và đây là rủi ro. Thứ 2, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang "té nước theo mưa", tranh thủ đà tăng của thị trường hiện tại để "làm bóng” kết quả kinh doanh của mình nhằm mục đích phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

"Chúng tôi cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh. Cơ quan quản lý nhà nước nên cảnh báo nhà đầu tư lúc này”, chuyên gia Cấn Văn Lực nêu. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý nhà đầu tư rằng, các ngành nghề do chịu ảnh hưởng của đại dịch sẽ rất phân hóa, có ngành đi lên rất tốt nhưng cũng có ngành đi xuống rất nhiều. “Như thế tăng trưởng có thể thiếu bền vững và phải lưu ý”, ông Lực cảnh báo.

Cũng đưa ra nhiều cảnh báo rủi ro trên TTCK 6 tháng cuối năm, tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số và tương lai thị trường” diễn ra mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, theo báo cáo của HoSE, đến thời điểm này, các công việc xử lý nghẽn lệnh đã hoàn tất. Về cơ bản đã triển khai xong việc kiểm thử hệ thống giao dịch do FPT triển khai.

"Sẽ đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành vào đầu tháng 7/2021, với khả năng xử lý số lượng lệnh giao dịch gấp 3-5 lần so với hệ thống hiện tại. Do đó, nhà đầu tư có thể yên tâm khi đưa vào vận hành sẽ không xảy ra tình trạng nghẽn lệnh", ông Sơn cho hay. Thông tin tích cực này đã tác động rất tốt tới tâm lý thị trường, giúp cho chứng khoán có những phiên “thăng hoa”.

Tin vui là thế, song những rủi ro khác cũng không ít. Theo ông Sơn, về dòng tiền magin (giao dịch ký quỹ) trên TTCK là dịch vụ tốt, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các công ty chứng khoán đã đầu tư cho hệ thống quản trị rủi ro. Theo đó, hệ thống này được xây dựng theo hướng vận hành tự động, hầu như không có sự can thiệp của yếu tố con người. Tuy nhiên, cho vay margin được ví như dao 2 lưỡi, vì khi TTCK diễn biến lên điểm thì ổn, nhưng lúc thị trường đi xuống sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt.

“Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng vẫn tiềm ẩn những vấn đề không lường được hết, nên cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư cần cẩn trọng với hoạt động cho vay và đi vay margin, để góp phần giúp TTCK phát triển bền vững…”, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cảnh báo.

Dự báo về triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm nay, ông Sơn phân tích, sự vận động của thị trường chứng khoán không thể tách rời các hoạt động của mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội. Vì vậy, với sự quyết liệt của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, thời gian tới các hoạt động kinh tế, đầu tư được mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, UBCKNN kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ thu hút thêm được lượng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài.

“TTCK 6 tháng cuối năm tiếp tục có bước phát triển mới, nhưng các thành viên thị trường cần có sự thận trọng bởi thị trường luôn luôn có hai mặt thuận lợi và rủi ro, do đó từng nhà đầu tư cần cân nhắc quản trị rủi ro để thị trường có thể phát triển bền vững”, ông Sơn khuyến nghị.

Tác giả: Hà An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến