Dòng sự kiện:
Nhiều thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2023
06/01/2023 12:21:14
Năm 2023 nền kinh tế nước ta sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Các doanh nghiệp cần đưa ra những kịch bản chi tiết, đối sách hợp lý để có thể tiếp tục trụ vững và phát triển trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 kinh tế đất nước sẽ chịu tác động từ các yếu tố như: Xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn... đây sẽ là những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì thế, yêu cầu đặt ra là cần có những đối sách ứng phó để doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, khi có những khó khăn, bất ổn cần phải đương đầu thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, những cải cách không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường. Do đó, phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những hiệp định thương mại, hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế, nhằm giảm các loại chi phí không chính thức.

Cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí đối với doanh nghiệp.

“Bản thân doanh nghiệp cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Quốc Việt nói.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn phía trước, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Đồng thời cho biết, đối với những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng cũng suy yếu, nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn và sau khủng hoảng thường lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần có chuyển đổi số để phục hồi và phát triển.

“Những doanh nghiệp dù rất lớn mạnh, nhưng không chuyển đổi số thì khi lao dốc trong khủng hoảng cũng như nhau, nhưng khả năng phục hồi chậm hơn và sau khủng hoảng rất khó để đạt được trạng thái đã có trước đó. Riêng những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng chuyển đổi số sẽ bị rơi vào tầng rất sâu và khó bật trở lại. Như vậy, cắt giảm chi phí là cần thiết nhưng không phải cắt tất cả, chúng ta cần phải chi tiêu cho chuyển đổi số” - ông Nguyễn Trọng Đường cho biết./.

Tác giả: Nguyễn Hằng

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến