NHNN chấp thuận “se duyên” cho SHB và VVF
14/09/2016 10:48:26
ANTT.VN – Sau gần 1 năm kể từ ngày ĐHĐCĐ ngân hàng SHB thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex - Viettel (VVF), vị tư lệnh ngành ngân hàng mới có thông báo chính thức chấp nhận “se duyên” cho hai đơn vị này.

Tin liên quan

Sau gần 1 năm ĐHĐCĐ thông qua đề án, Ngân hàng Nhà nước mới chấp thuận về mặt nguyên tắc việc sáp nhập VVF vào SHB

Sau tất cả, SHB và VVF cũng được về với nhau

Ngày 12 tháng 9 năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc cho Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Như vậy, sau gần 1 năm kể từ khi SHB tổ chức đại hội đồng cổ đông thông qua đề án sáp nhập VVF vào SHB ngày 24/10/2015, ĐHĐCĐ của VVF ngày 24/11/2015 và hàng loạt công văn trình NHNN, vị tư lệnh ngành ngân hàng đã có tiếng nói chính thức cho “mối lương duyên” này.

Bên cạnh đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chấp thuận cho SHB thành lập công ty con là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng sau thương vụ sáp nhập.

SHB và VVF, Ban trù bị thành lập công ty tài chính TNHH MTV SHB có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ quy định về việc tổ chức lại tổ chức tín dụng, trình Thống đốc NHNN xem xét chấp thuận việc sáp nhập.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong đó có công ty tài chính sau khi ban hành thông tư 30/2015/TT-NHNN ban hành ngày 24/12/2015  và thông tư 15/2016/TT-NHNN sửa đổi. 

Theo đó, cổ đông sáng lập của TCTD phi ngân hàng cổ phần, nếu là doanh nghiệp Việt Nam thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng; tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ và phải tuân thủ việc góp vốn theo quy định của pháp luật liên quan.

Đối với ngân hàng thương mại nếu muốn thành lập các công ty tài chính thì phải đáp ứng được điều kiện có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng. Một số điều kiện khác đặt ra bao gồm ngân hàng phải có trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động trong năm liền kề trước năm nộp hồ xin cấp giấy phép...

Hoán đổi cổ phiếu 1:1, Viettel và Vinaconex có thiệt?

Hiện tại, SHB đang có vốn điều lệ 9.486 tỷ đồng do tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê làm đại diện theo pháp luật, VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ông Hoàng Trọng Đức làm đại diện.

Theo đề án sáp nhập đã được thông qua, SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP), đưa vốn điều lệ của SHB lên 10.486 tỷ đồng.

Sáp nhập với VVF lần này, SHB vấp phải những lo ngại về tình hình kinh doanh không mấy khả quan của công ty tài chính, khi biểu đồ lợi nhuận của VVF đi xuống rất thảm khốc từ năm 2011 đến nay liên tục giảm và 2014 âm 12,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện hoán đổi cổ phần VVF sang SHB theo tỷ lệ 1:1, cả hai ông lớn là Viettel và Vinaconex (2 đơn vị sở hữu khoảng 66% vốn điều lệ VVF) sẽ phải hạch toán một khoản lỗ khá lớn do thị giá SHB hiện tại dưới mệnh giá (chốt phiên ngày 13/09/2016 chỉ ở mức 5.000 đồng/CP).

Về việc sáp nhập VVF, SHB đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập HBB (Habubank) vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm 2016 và 2017 (trong đó 50% thuế được miễn theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập HBB vào SHB, 50% thuế được miễn sau khi nhận sáp nhập VVF)...

Đồng thời, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép SHB phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trước năm 2015 trong 10 năm theo khả năng tài chính của Ngân hàng kể từ ngày phát hành trái phiếu; phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở đi trong vòng 10 năm theo khả năng tài chính của SHB kể từ ngày phát hành trái phiếu; Ngân hàng Nhà nước không cộng nợ xấu từ cho vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu VVF khi thực hiện công tác xếp hạng TCTD hoặc khi tính các điều kiện xin cấp phép khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến