Dòng sự kiện:
NHNN chính thức giao Vietinbank quản trị, điều hành GP.Bank
08/07/2015 10:18:30
ANTT.VN - Sáng 7/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng/cổ phần và giao VietinBank là đầu mối tiếp nhận quản lý, điều hành GP.Bank trong giai đoạn mới.

Tin liên quan

 

Việc NHNN trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần và chuyển đổi GP.Bank thành NHTM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Toàn cầu để chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu GP.Bank, gia tăng sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để đảm bảo công tác quản trị, điều hành, NHNN chỉ định VietinBank tham gia quản trị, điều hành NHTM TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu, đồng thời có các quyết định bổ nhiệm nhân sự Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ban điều hành NHTM TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu.

GP.Bank được NHNN giao cho Vietinbank quản trị và điều hành

Trước đó, năm 2012 qua thanh tra, NHNN đã phát hiện GP.Bank bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả. Trong 3 năm qua, NHNN đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP.Bank tìm kiếm đối tác (trong nước và ngoài nước), xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi nhưng Ngân hàng này tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.

Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng này, đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng cũng như bảo vệ tiền gửi của nhân dân, NHNN đã quyết định đặt GP.Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu GP.Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực vốn điều lệ. NHNN cũng yêu cầu GP.Bank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ.

Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức, Đại hội đồng cổ đông bất thường của GP.Bank không thành công, Ngân hàng cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ để bảo đảm giá thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN.

Như vậy, ngân hàng cuối cùng trong nhóm 9 thành viên yếu kém xác định đợt đầu cuối 2011 đã được xử lý. Một trường hợp khác là PG.Bank cũng đang chờ đợi sáp nhập vào VietinBank.

Đáng chú ý, với trường hợp GP.Bank, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ định VietinBank đứng ra tham gia quản trị, điều hành và kiện toàn hoạt động trong giai đoạn mới.

Với GP.Bank, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc ba ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, trước đó là VNCB và OceanBank.

Và đến thời điểm này, VietinBank là đầu mối tiếp nhận quản lý, điều hành hai ngân hàng yếu kém là OceanBank và GP.Bank, trong khi kế hoạch sáp nhập PG.Bank hiện đang xúc tiến và dự kiến có thể xong trong tháng 7 này.

PV

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến