NHNN nói về '9 điểm mới' của Thông tư 36
22/11/2014 12:20:03
Một số nội dung mới có tác động mạnh tới tình hình sức khỏe thật sự của các NHTM như xác định giá trị thực vốn điều lệ, vốn được cấp; hay quy định về dự trữ thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả

Tin liên quan

Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN Quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36).

Để hiểu rõ hơn những nội dung liên quan đến Thông tư này, Website NHNN đã phỏng vấn ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN

PV: Những nội dung cơ bản mới của Thông tư 36 là gì, thưa ông?

Thông tư 36 hướng dẫn 6 tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 130 Luật các TCTD, bao gồm giới hạn cấp tín dụng, các tỷ lệ về an toàn vốn tối thiểu; tỷ lệ khả năng chi trả, dự trữ thanh khoản; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn; tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần và tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

Các quy định về các tỷ lệ trên được kế thừa những quy định tích cực, phù hợp từ Thông tư 13, đồng thời được sửa đổi, bổ sung theo sát các quy định của thông lệ quốc tế (Basel 1, Basel 2), phù hợp với thực tế hệ thống các TCTD hiện nay và định hướng quản lý, phát triển hệ thống trong thời gian tới.

Thông tư 36 hướng dẫn 6 tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 130 Luật các TCTD.

Một số nội dung cơ bản mới của Thông tư 36:

Thứ nhất, bổ sung khái niệm người có liên quan của cá nhân, tổ chức làm căn cứ duy trì, tính toán các giới hạn cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần, đầu tư của TCTD, chi nhánh NHNNg.

Thứ hai, bổ sung các yêu cầu về công khai, báo cáo việc cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần đặc biệt đối với người có liên quan của những đối tượng không được cấp tín dụng, đối tượng hạn chế cấp tín dụng; cập nhật, bổ sung danh sách cổ đông, thành viên quản lý, điều hành, kiểm soát để tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro của TCTD, chi nhánh NHNNg và phục vụ công tác giám sát, thanh tra của NHNN trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg, kiểm soát dòng tiền, hạn chế việc tập trung vốn, sở hữu chéo, thao túng hoặc chi phối thông qua những người có liên quan.

Thứ ba, bổ sung quy định việc xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp và việc xử lý đối với các trường hợp khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định, làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của TCTD, chi nhánh NHNNg, xác định đúng các tỷ lệ bảo đảm an toàn, phục vụ quá trình quản lý, giám sát, tái cơ cấu.

Đồng thời, bổ sung quy định về vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các TCTD. Các cấu phần vốn, phương pháp và cách tính, duy trì tỷ lệ này được quy định cụ thể, chi tiết, thành phụ lục để dễ thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, đối với chi nhánh NHNNg, các cấu phần vốn có tính tới đặc thù của chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của TCTD nước ngoài. Đặc biệt, hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoản được điều chỉnh từ 250% theo quy định tại Thông tư 13 xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ) nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán phát triển.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ dự trữ thanh khoản, hoàn thiện quy định tỷ lệ khả năng chi trả đối với những tài sản có tính thanh khoản cao. Tỷ lệ quy định cụ thể đối với từng loại hình TCTD, phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của từng loại hình TCTD.

Thứ năm, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn được quy định đối với từng loại hình TCTD, phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của từng loại hình TCTD, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lành mạnh gắn với an toàn thanh khoản. Bổ sung quy định tỷ lệ về việc đầu tư, mua trái phiếu chính phủ của từng loại hình TCTD nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư giấy tờ có tính thanh khoản cao, bảo đảm an toàn thanh khoản, chi trả của TCTD, chi nhánh NHNNg, đồng thời thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Thứ sáu, bổ sung một số quy định về điều kiện, giới hạn góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát của NHTM, công ty tài chính; việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác nhằm phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.

Thứ bảy, bổ sung các quy định về việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu so với vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, chi nhánh NHNNg nhằm hạn chế rủi ro cho TCTD, chi nhánh NHNNg và góp phần cho thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, lành mạnh.

Thứ tám, bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi để hỗ trợ bảo đảm an toàn thanh khoản, khả năng chi trả của TCTD. Tương tự như tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, tỷ lệ này được quy định phù hợp với từng loại hình TCTD, tạo điều cho TCTD, chi nhánh NHNNg tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Cuối cùng, các quy định chuyển tiếp trên nguyên tắc không hồi tố, không tác động đến những hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg đã thực hiện trước ngày thông tư, đồng thời quy định thời gian tối đa để các TCTD, chi nhánh NHNNg điều chỉnh và thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư.

Theo SBV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến