Hậu thông tư 36, “dư địa” cho vay ĐTCK còn bao nhiêu?
21/11/2014 16:24:57
ANTT.VN – Chiểu theo quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, “dư địa” cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng còn bao nhiêu?

Tin liên quan


 

Theo thông tư 36/2014/TT-NHNN, tổng mức dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán không được vượt quá 5% vốn điều lệ

Theo điều 14 tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN có ghi rõ: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương  mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, cũng theo điều 14 từ 1/2/2015, các nhà băng chỉ được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đã đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR là 9%) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 30/09/2014, vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam (NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần, Ngân hàng liên doanh, nước ngoài) là gần 435.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, trong số 17/37 ngân hàng đã tiến hành công bố báo cáo tài chính quý 3/2014 thì sẽ có 4 ngân hàng sẽ không được phép cho vay đầu tư chứng khoán do tỷ lệ nợ xấu vượt mức trần quy định 3% trong thông tư, bao gồm: NCB (4,94%), Eximbank (3,36%), ACB (3,07%), MB (3,06%).

Với vốn điều lệ NCB là 3.010 tỷ đồng, Eximbank 12.335 là tỷ đồng, ACB là 9.377 tỷ đồng, MB là 11.594 tỷ đồng, thì tổng vốn điều lệ của các ngân hàng được phép cho cho vay đầu tư chứng khoán tối đa chỉ còn là 399.184 tỷ đồng (con số thực tế sẽ còn thấp hơn nhiều do còn tới 20 ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính).

Như vậy, nếu giả sử tại thời điểm áp dụng các số liệu không thay đổi so với các con số tạm thống kê ở trên, chiểu theo quy định tại Thông tư 36 thì tổng số dư nợ cho vay đầu tư cổ phiếu tối đa mà các ngân hàng được phép thực hiện sẽ là 19.959 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức trần sẽ còn thấp hơn rất nhiều vì có rất nhiều ngân hàng được đánh giá là có tỷ lệ nợ xấu vượt 3% nhưng lại chưa thực hiện công bố Báo cáo tài chính Q3/2014.

Được biết, theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh - UBCKNN cho biết thì tính đến hết tháng 09/2014, lượng margin trên thị trường chứng khoán đã là gần 15,000 tỷ đồng.

Tổng hợp đến tháng 10/2014 là trên 17,000 tỷ đồng theo số liệu tổng hợp do các công ty chứng khoán báo cáo.

Như vậy, theo Thông tư 36, “dư địa” cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng chỉ còn dao động trong khoảng từ 3000 đến 5000 tỷ (giả sử các số liệu không biến động).

Ngoài ra, xét đến quy định NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, một lượng vốn khác cũng sẽ phải rút ra khỏi cổ phiếu. Sẽ có một số nhà băng như ACB, DongABank, MBB, VCB, BIDV, CTG, ABBank, VPBank, Techcombank, VietCapitalBank... không được cấp tín dụng cho các công ty con như ACBS, DAS, MBS, VCBS, BSI, CTS, ABS, VPBS, TCBS, VCSC...

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến