Dòng sự kiện:
Nhóm quyền lực thâu tóm Vinaconex bán 5.300 tỷ đồng trái phiếu nhưng không ai mua
13/05/2019 05:49:31
Đợt huy động vốn quy mô lớn của nhóm An Quý Hưng được giới tài chính nhận định là có liên quan đến thương vụ chi 7.400 tỷ thâu tóm Vinaconex cuối năm 2018...

Vinaconex có giá trị vốn hoá gần 12.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH An Quý Hưng và An Quý Hưng land vừa xác nhận đã thất bại trong việc huy động 5.300 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu. 

Cụ thể, An Quý Hưng đã chào bán 2.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, mệnh giá trái phiếu 1 triệu đồng/đơn vị. Lãi suất được tính 12%/năm, cao hơn mức gửi tiết kiệm của đa số các ngân hàng thương mại hiện nay. 

Tài sản đảm bảo là 125 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG). Tuy nhiên, công ty đã thất bại trong đợt phát hành này bởi không có một nhà đầu tư nào mua. 

Công ty TNHH An Quý Hưng Land cũng cùng chung hoàn cảnh khi không nhà đầu tư nào mua vào trái phiếu trong đợt phát hành. Theo kế hoạch An Quý Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, mệnh giá 1 triệu đồng/đơn vị, lãi suất 12%/năm. Tài sản đảm bảo là 129,85 triệu cổ phiếu VCG. 

Như vậy, kế hoạch huy động 5.300 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo 255 triệu cổ phiếu VCG của An Quý Hưng đã hoàn toàn thất bại. Dù cho lượng cổ phiếu là tài sản đảm bảo chiếm tới 58% vốn điều lệ của Vinaconex, tính theo thị giá trên sàn, lô cổ phiếu trên có giá trị trên 7.000 tỷ đồng. 

Tuy vậy, đợt phát hành của nhóm An Quý Hưng vẫn không hấp dẫn được nhà đầu tư nào. Hiện VCG đang được giao dịch ở mức giá 26.700 đồng, tương ứng vốn hoá gần 12.000 tỷ đồng. 

Đợt huy động vốn quy mô lớn cuả nhóm An Quý Hưng được cho là có liên quan lớn đến vụ thâu tóm Vinaconex cuối năm 2018. Đây là một thương vụ thoái vốn lớn của Nhà nước cuối năm 2018 có quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng. 

Nhóm An Quý Hưng khi đó đã chi ra 7.367 tỷ đồng để sở hữu 57,71% cổ phần của Vinaconex từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Đây là "cú sốc" với giới đầu tư khi đó bởi An Quý Hưng là một doanh nghiệp khá nhỏ so với quy mô thương vụ.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH An Quý Hưng, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2001 có trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng giám đốc.

Tháng 4/2017, An Quý Hưng thực hiện tăng vốn lên 360 tỷ đồng và mới đây, vào ngày 12/11/2018, An Quý Hưng đã hoàn tất tăng vốn lên 500 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông - bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.

Kết thúc năm 2017, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Sinh năm 1966, ông Nguyễn Xuân Đông không chỉ là ông chủ của An Quý Hưng mà còn là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vimeco, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát.

Gần đây cuộc "nội chiến" ở Vinaconex diễn ra gay gắt do sung đột giữa các nhóm cổ đông. Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest - hai cổ đông lớn lần lượt nắm 21,28% và 7,57% tại Vinaconex đã có yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội Đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019. Nhóm cổ đông này lo lắng vì nhóm quyền lực có dấu hiệu vì có dấu hiệu rút ruột tài sản công ty, ảnh hưởng quyền lợi cổ đông khác. 

Ngày 1/11/2019, Đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex đã tiến hành miễn nhiệm và bầu cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát. Đây là phiên họp đầu tiên kể từ sau thương vụ nhà nước bán vốn thu về gần 10.000 tỷ cuối năm 2018.

Theo đó, cổ đông của Vinaconex có thay đổi như sau: An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn. Ba cổ đông lớn này nắm hơn 87% vốn của Vinaconex.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến