Nhức nhối vấn đề tham nhũng, gian lận trong các dự án ODA tại Việt Nam
21/01/2015 14:16:09
ANTT.VN – Tham nhũng trong các dự án viện trợ phát triển (ODA) luôn là một vấn đề nhức nhối và càng trở nên đáng lo ngại hơn khi Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách nhận được nhiều khiếu nại nhất.

Tin liên quan

Theo tin tức trên VTC News, tại Hội nghị “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng ngày 20/1, nhiều chuyên gia đánh giá vấn đề tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như các nhà tài trợ.

Ông Anders Hjorth Agerskov, Văn phòng Phó Chủ tịch phụ trách liêm chính của WB cung cấp những số liệu cho thấy rủi ro tiềm ẩn trong các dự án ODA mà WB cấp vốn cho Việt Nam có thể rất lớn.

Theo đó Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách khách hàng của WB ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có khiếu nại về tính liêm chính, chỉ sau Indonesia.

Tổng số lời khiếu nại là 189, với tổng giá trị các dự án có khiếu nại tương đương 11,3 tỷ USD. Các ngành có khiếu nại nhiều nhất là Giao thông/ICT và Cấp nước, tiếp theo là Nông nghiệp và Năng lượng.

Các chuyên gia quốc tế cũng thừa nhận, tham nhũng trong các dự án viện trợ phát triển (ODA) là vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế và cả cơ quan quản lý của Việt Nam đều phải thừa nhận tham nhũng trong các dự án ODA hiện nay rất khó phát hiện.

Không chỉ các dự án đường sắt, mà bất kỳ dự án ODA nào cũng đều có tham nhũng, hối lộ. (Ảnh minh hoạ)

Thống kê mới đây của Sáng kiến thu hồi tại sản bị lấy cắp đã chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển thất thoát khoảng 20-40 tỷ USD mỗi năm do đút lót, hối lộ, tham ô và tham nhũng.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận, thực tế những vụ tham nhũng, gian lận trong các dự án ODA được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chưa tương xứng với đánh giá về mức độ rủi ro trong lĩnh vực này.

Theo báo Vnexpress, trong đó, điển hình là các vụ án tại Ban quản lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ Giao thông vận tải năm 2005; vụ án nhận hối lộ tại dự án đại lộ Đông - Tây (PCI) năm 2008 và gần đây nhất là nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) hiện đang trong quá trình điều tra làm rõ.

Các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao. Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận những vụ việc được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chưa tương xứng với đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này.

"Trong cả 3 vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ việc PCI và JTC) hay vụ án PMU được cơ quan điều tra phát hiện từ vụ án hình sự khác (cá độ bóng đá)", ông Lượng cho biết.

Theo người đứng đầu cơ quan Thanh tra, nguyên nhân quan trọng khiến các dự án ODA dễ phát sinh gian lận là một bộ phận lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đúng, coi tất cả các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại nên đặt mục tiêu được phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất, chưa chú trọng đúng mức tới yêu cầu phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Bên cạnh đó, một số người đứng đầu địa phương, hay bộ ngành có thể có tâm lý hữu khuynh, lo ngại khi những sai phạm bị phát hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển ở cấp quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ, dẫn tới đấu tranh chống gian lận tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ODA chưa hiệu quả.

Thông lệ các hiệp định cung cấp ODA cũng quy định khi các hành vi gian lận, tham nhũng được phát hiện thì số tiền sai phạm bị thu hồi sẽ được hoàn trả cho nhà tài trợ mà không thu về Ngân sách Nhà nước. "Những nguyên nhân này có thể tác động tới tâm lý người đứng đầu cơ quan chức năng quản lý khi chỉ đạo thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng như quan điểm xử lý sai phạm tại các dự án ODA", Tổng thanh tra Chính phủ cho hay.

"Phải thực sự thay đổi tâm lý coi ODA là nguồn viện trợ không hoàn lại, hoặc chí ít thì đời mình chưa phải lo trả nợ, dẫn tới trình trạng lobby ODA để thực hiện các dự án không thực sự cần thiết hoặc buông lỏng công tác giám sát, triển khai", vị này khẳng định.

PV (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến