Nga tăng lãi suất “kịch trần” vẫn không cứu nổi đồng Rúp
17/12/2014 11:03:52
ANTT.VN – Mặc dù, Ngân hàng Trung ương Nga đã đẩy lãi suất lên mức cao kỉ lục trong vòng 16 năm trở lại đây, nhưng nỗ lực này dường như vẫn không thể kìm hãm được đà “rơi tự do” của đồng rúp. Chiều 16/12, đồng rúp giảm tiếp 19% chỉ còn 81,1 ruble đổi 1USD.

Tin liên quan

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga bất ngờ thông báo từ ngày 16/12 sẽ tăng lãi suất từ mức 10,5% hiện nay lên 17%. Đây là lần thứ 6 trong năm Nga nâng lãi suất sau khi các nhà hoạch định chính sách họp phiên bất thường và là đợt tăng mạnh nhất từ năm 1998, khi đó, lãi suất tại Nga tăng hơn 100% khiến Chính phủ vỡ nợ.

Như vậy tính từ đầu năm tới nay, Nga đã chi 80 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng rúp, khi nội tệ mất giá tới 64% trong năm, xuống thấp kỷ lục so với USD hôm 15/12 (giảm 9,7%).

Tuy nhiên, chưa đầy 1 ngày sau khi mức lãi suất mới được áp dụng, chiều 16/12, đồng rúp đã tuột giá 19% xuống còn 81,1 ruble đổi 1USD trên sàn giao dịch Moscow.

Đây là mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ thời khủng hoảng tài chính năm 1998. Phiên giao dịch cũng đưa ruble lên vị trí đồng tiền chuyển biến tồi tệ nhất năm 2014.

Tính từ đầu năm tới nay, ruble đã mất giá 55%, mặc cho CBR rót tới 81 tỷ USD cứu vớt đồng nội tệ. Hiện kho dự trữ ngoại tệ của Nga đã chạm đáy 5 năm tại 416 tỷ USD.

"Bài thuốc" tăng lãi suất mà Nga áp dụng để cứu đồng rúp đang phản tác dụng?

Diễn biến bất thường này cho thấy biện pháp kiểm soát thị trường của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã không phát huy được tác dụng kìm hãm sự khủng hoảng của đồng rúp.

Tin xấu về đồng nội tệ đã nhanh chóng loan ra các thị trường khác. Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nhảy 317 điểm cơ bản lên đỉnh kỷ lục 16,4% chỉ riêng trong phiên ngày 16/12. Chỉ số RTS Index trên thị trường chứng khoán Nga tụt xuống đáy thấp nhất hơn 5 năm.

Càng làm tình hình thêm tồi tệ, giá dầu thô Brent trôi theo dốc, mất thêm 3,6% xuống còn 58,86USD/thùng trong ngày 16/12. Dầu khí là sản phẩm đóng góp hơn 1 nửa doanh thu cho Nga.

Tình trạng này đã thổi lên cơn hoảng loạn trong giới đầu tư. Các ngân hàng ghi nhận nhu cầu đổi ruble sang USD trong dân Nga tăng cao đột biến.

Trước tình hình này, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, Chính phủ Nga sẽ nhanh chóng triệu tập một cuộc họp khẩn bàn về tình hình tài chính.

Không ngoại trừ khả năng các nhà chức trách sẽ thông báo về một lệnh siết chắt tiền tệ mới, khi các biện pháp truyền thống như nâng lãi suất và can thiệp thị trường đã nhiều lần không phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế tiền tệ này có thể khiến xếp hạng tín dụng đầu tư của Nga bị hạ bậc, công ty Rogge Global Partners cảnh báo.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tăng trưởng sẽ  âm 4,5% trong quý I năm 2015. Nói cách khác thì đó sẽ là một cuộc suy thoái.

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến