Dòng sự kiện:
Những bức thư tay 'đánh thức' vùng trời ký ức nhiều thế hệ
08/01/2018 14:15:46
Viết thư tay là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa con người với con người. Triển lãm “Thư viết tay 100 năm qua” tại A Letter Home - Thư Quán đã đánh thức cả một trời ký ức trong nhiều người.

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, khoảng cách cả nghìn cây số cũng ngắn lại chỉ với dòng tin nhắn, cuộc điện thoại, thậm chí có thể nhìn thấy nhau như thể đang ngồi cạnh. Những bức thư tay rơi vào lãng quên. Triển lãm “Thư viết tay 100 năm qua” tại A Letter Home - Thư Quán (Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội) đã đánh thức cả một trời ký ức trong nhiều người.

Một bức thư gửi nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển, có những con tem mang hình “Cô Ba Sài Gòn”.

Ngắm nhìn 100 bức thư với đủ loại chất liệu giấy, đa số đã ngả vàng, loang ố màu thời gian, mối mọt gặm nhấm, hít hà mùi giấy cũ, mùi quá khứ là một trải nghiệm không thể bỏ qua của những tâm hồn hoài niệm. Không chỉ có thế, người xem còn được nếm cái cảm giác hồi hộp, thấp thỏm ngóng chờ tin ai hàng tuần, hàng tháng trời qua lá thư tay.

Bức thư cổ nhất tại triển lãm

Trong triển lãm, bức thư có “tuổi đời” cao nhất được viết năm 1905, từ Sóc Trăng. Có giá trị nhất là các bức thư của nhiều nhà trí thức gửi nhau như thư Trần Dần gửi Dương Tường, thư của Mộng Tuyết gửi bạn, thư từ trong nhà Vương Hồng Sển... Chúng hé lộ một vài nét về bối cảnh lịch sử - xã hội hàng thế kỷ trước qua bì thư, con tem, dấu bưu cục hay nội dung bức thư.

Bức thư Phùng Quán gửi bạn năm 1991

Bài thơ “Nỗi lo” của nhà thơ Phùng Quán gói trọn những tâm sự tuổi già gửi cho người bạn thân xúc động người xem: “Về hưu có làm gì thêm không/ Bạn hữu xa gần hỏi mà thương/ Cũng định làm nhưng… hồ đẹp quá!/ Ngồi ngắm nhìn cũng đủ hết năm/ Nỗi lo nhất của hai vợ chồng/ Chết xuống mồ lòng còn băn khoăn/ Mây nước hồ Tây chưa ngắm đủ/ Mắt vẫn còn đói sóng, đói trăng”.

Cũng có những bức thư tình từ thời “ông bà anh”, trong đó là những lời hỏi han quan tâm giản dị mà chân thành hay thư trao đổi về công việc…

Những nét bút từ quá khứ

Chị Nguyễn Thị Dạ Thương - chủ của Thư Quán tâm sự: “Trong các dịp gặp gỡ nhiều trí thức, các nhà sưu tầm hay những gia đình bình thường có tủ sách lớn, tôi đều thấy họ có lưu trữ một lượng thư tay qua nhiều thời kỳ, nhiều năm tháng. Có gia đình vẫn giữa thói quen viết thư tay cho nhau, khi đi vắng, khi cần trao đổi hoặc thảo luận, khi muốn nhắn gửi yêu thương, khi muốn chia sẻ bất cứ điều gì... Và họ đã làm điều đó trong nhiều năm qua, đời này truyền qua đời khác như một thói quen sinh hoạt như một nếp nhà. Một điều đẹp đẽ hiển hiện tự nhiên và lặng lẽ như thế đã khiến tôi vô cùng xúc động”.

Thư viết tay giờ đã trở thành hoài niệm, nét duyên thầm của một thời đã xa.

Chị Thương mong muốn người xem sẽ có thể hình dung được nhiều giai đoạn, thời kỳ của việc viết lách, chữ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời cũng muốn chia sẻ thêm về sự cầu kỳ của việc viết thư tay xưa kia ở nước mình như in giấy viết thư riêng, có dấu mộc hoặc hình vẽ, khổ giấy đặc trưng…

Triển lãm thư viết tay trong 100 năm qua “Về một thời ngây ngô” sẽ kéo dài đến hết ngày 7/2.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến