Bán hàng đa cấp bất chính bị phạt đến 200 triệu đồng
Theo Nghị định 141/2018 có hiệu lực từ ngày 25/11, mức phạt tiền 80-100 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi như: Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác mua số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp...
Mức phạt sẽ tăng gấp đôi với các hành vi trên khi người vi phạm thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trở lên.
Các trường phổ thông tiến tới học 2 buổi/ngày
Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21/09/2018 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.
Chính phủ giao UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học bảo đảm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.
Ngân hàng không được tùy tiện cung cấp thông tin khách hàng
Có hiệu lực từ ngày 1/11, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định tương đối chặt chẽ việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong 2 trường hợp: Có sự chấp thuận của khách hàng; tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ngân hàng không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng (mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập…) cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin…
Cán bộ quản lý thị trường được khám người, phương tiện
Thông tư 35/2018 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 26/11 cho phép công chức quản lý thị trường được phép khám người, phương tiện vận tải khi có căn cứ để cho rằng nếu không kiểm tra ngay thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ hoặc để ngăn chặn, hạn chế hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
Nếu có căn cứ cho rằng trong người hoặc trong phương tiện vận tải, đồ vật hoặc tại nơi cất giấu có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, công chức quản lý thị trường áp dụng việc khám người, khám phương tiện vận tải theo thẩm quyền hoặc đề xuất khám với người có thẩm quyền ban hành quyết định khám theo thủ tục hành chính của quản lý thị trường.
Công chức quản lý thị trường đề xuất việc khám phải chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền ban hành quyết định khám và trước pháp luật về nội dung của đề xuất.
3 loại thực phẩm chức năng cho trẻ em phải kê khai giá
Thông tư 22/2018/TT-BYT quy định Danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kê khai giá. Danh mục này bao gồm 3 loại thực phẩm chức năng: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm bổ sung, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Danh mục nêu trên là cơ sở để các cơ quan thực hiện quản lý giá theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Thông tư, trước ngày 1/7/2019, UBND cấp tỉnh phải đăng tải toàn bộ danh sách các sản phẩm đã được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp tỉnh cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc do tổ chức, cá nhân tại địa phương tự công bố.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.
Bảy trường hợp quỹ tín dụng nhân dân bị thu hồi giấy phép
Theo Thông tư 23/2018/TT-NHNN, có 7 trường hợp phải thu hồi giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm: Quỹ tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; Hồ sơ đề nghị cấp phép của Quỹ có thông tin gian lận để đủ điều kiện được cấp giấy phép; Quỹ hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép; Quỹ vi phạm nghiêm trọng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động; Quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Quỹ bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản; Quỹ hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2018.
Ly Na
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy