Những chuyển động thật ở Sacombank
14/03/2017 07:17:45
Sacombank đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông (dự kiến là ngày 28-4) nhằm kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành và triển khai các giải pháp tái cơ cấu.

Tin liên quan

Cổ đông tổ chức to nhất tại Sacombank hiện nay chính là VAMC. Ảnh: MAI LƯƠNG

Đúng một tuần sau ngày NHNN có thông cáo báo chí (ngày 24-2-2017) nêu rõ quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị) và ông Trầm Khải Hòa (nguyên thành viên hội đồng quản trị) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), một nhóm nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực bất động sản đã nộp lên cơ quan quản lý phương án xin được đầu tư 20% cổ phần ngân hàng này - nguồn tin đáng tin cậy từ cơ quan quản lý xác nhận độ chính xác của thông tin trên.

Trong khi đó, một nhóm nhà đầu tư và tổ chức khác trong lĩnh vực ngân hàng cũng thể hiện sự quan tâm được tham gia vào tiến trình tái cơ cấu Sacombank. Một quan chức cấp cao của NHNN cho biết nhóm này đang xem xét thận trọng và có thể sớm có sự tiếp xúc chính thức với cơ quan quản lý.

Cũng trong tuần trước, ngày 1-3-2017 trang web của Sacombank đăng tải nghị quyết phiên họp hội đồng quản trị cùng ngày, theo đó thông qua kế hoạch, lộ trình tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay. Ngày 15-3-2017 được chọn là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông Sacombank tham dự cuộc họp. Ngày dự kiến tổ chức cuộc họp là 28-4-2017. Sacombank đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của NHNN khẩn trương tổ chức họp đại hội đồng cổ đông nhằm kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành và triển khai các giải pháp tái cơ cấu.

Một năm và bốn tháng rưỡi

Điều giản đơn mà thị trường đều thấu hiểu là bấy lâu nay một tỷ lệ không nhỏ tiền vay để góp vốn vào ngân hàng được thế chấp, cầm cố bằng chính cổ phiếu ngân hàng. Phương thức đầu tư “lấy mỡ nó rán nó” của các chủ ngân hàng cần phải được chấm dứt.

Giới tài chính, doanh nghiệp và dư luận theo dõi tiến trình tái cơ cấu Sacombank thấy khá khó hiểu về khoảng thời gian kể từ khi NHNN ban hành Công văn số 6066/NHNN-TTGSNH ngày 12-8-2015 chấp thuận nguyên tắc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) vào Sacombank cho đến ngày có thông cáo chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê tại Sacombank dài tới một năm và bốn tháng rưỡi.

Sở dĩ phải đề cập đến yếu tố này bởi Công văn 6066 nhấn mạnh: “Ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng PNB, điều lệ Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan và sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn và thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu” (trích nguyên văn).

Đồng thời Công văn 6066 khẳng định: “Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê”.

Kế đó ngày 1-10-2015 PNB đã được sáp nhập vào Sacombank. Như vậy về mặt pháp lý kể từ ngày 12-8-2015 ông Trầm Bê và những người liên quan không còn là cổ đông Sacombank sau sáp nhập. Ngày 12-8-2015 cũng là ngày NHNN trở thành cổ đông lớn nhất, có quyền chi phối mọi hoạt động của Sacombank. NHNN, như công văn nói trên chỉ rõ “sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập”.

Tuy nhiên cho đến nay việc cử người tham gia quản trị, điều hành Sacombank từ phía NHNN vẫn chưa diễn ra. Và một năm bốn tháng rưỡi sau, NHNN lại phải nêu rõ quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê. Cho đến hiện tại thị trường vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc liệu người của NHNN có ứng cử vào thành viên hội đồng quản trị Sacombank trong đại hội đồng cổ đông tới đây.

Theo thông cáo báo chí của NHNN ngày 24-2-2017, NHNN đã chỉ định Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại PNB, Sacombank và Sacombank sau sáp nhập. Rõ ràng cổ đông tổ chức to nhất tại Sacombank hiện nay chính là VAMC.

Tiền thật, uy tín thật và sự hậu thuẫn của cơ chế

Quay lại với tiến trình tái cơ cấu Sacombank, những điều kiện nào cần và đủ để từ nay các bước tái cấu trúc mang lại hiệu quả thiết thực?

Thứ nhất đó là giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, nói cho rõ là nguồn tiền của các tổ chức và cá nhân tham gia phải là tiền tươi thóc thật. NHNN hoàn toàn có đủ cơ sở để kiểm tra, giám sát tiền góp vốn của các cổ đông mới là tiền thật, có nguồn gốc rõ ràng, không phải là tiền vay ngân hàng. Mọi khoản góp vốn của cổ đông mới từ tiền vay ngân hàng đều hàm chứa rủi ro và đều tiềm ẩn hình thành những mối quan hệ sở hữu chéo mới.

Điều giản đơn mà thị trường đều thấu hiểu là bấy lâu nay một tỷ lệ không nhỏ tiền vay để góp vốn vào ngân hàng được thế chấp, cầm cố bằng chính cổ phiếu ngân hàng. Phương thức đầu tư “lấy mỡ nó rán nó” của các chủ ngân hàng cần phải được chấm dứt.

Thứ hai tái cấu trúc Sacombank đòi hỏi một dàn lãnh đạo, đặc biệt chủ tịch hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc phải có nghề, trình độ, kinh nghiệm và uy tín không chỉ trong giới doanh nghiệp, tài chính, mà cả trong dư luận. Giới ngân hàng có luật bất thành văn nếu anh không có uy tín trong kinh doanh, anh không thể “buôn có bạn bán có phường” ở cái nghề buôn tiền này.

Thứ ba ngân hàng là ngành nghề kinh doanh đặc thù, liên quan đến tiền gửi của tổ chức kinh tế, người dân, là máu nuôi cơ thể, là xương sống của nền kinh tế, do đó những thành phần được chọn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nói chung, Sacombank nói riêng cần nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, của các bộ, ngành về mặt cơ chế, chính sách cũng như khuyến khích động viên tinh thần. Những tổ chức hay nhóm nhà đầu tư nào có nguồn lực tài chính thực sự, có trình độ, uy tín, kinh nghiệm và mối quan hệ hợp tác lành mạnh với doanh nhân, tài chính - ngân hàng đều nên được khuyến khích tham gia. Phát huy nội lực và ngoại lực cho tái cơ cấu ngân hàng chính là ở một trong những điểm mấu chốt này.

Theo TBKTSG 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến