Lạm phát là kết quả của việc cầu tăng nhanh hơn cung. Theo Wall Street Journal, các ngân hàng trung ương có khả năng giải quyết phía cầu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ trong những năm tới, một cú sốc nguồn cung nữa có thể xảy ra.
Trước đại dịch, nhu cầu thường ở mức yếu, nguồn cung vốn, lao động và nguyên vật liệu gần như vô hạn. Điều đó dẫn tới lạm phát và lãi suất liên tục được duy trì thấp.
Nhưng tình thế đã đảo lộn. Nhu cầu tăng mạnh, nhất là ở Mỹ, khi nền kinh tế phục hồi từ cuộc khủng hoảng bởi Covid-19. Thị trường lao động tại các nền kinh tế tiên tiến bị thu hẹp. Dịch bệnh tạo ra những nút thắt cổ chai của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược chống dịch gắt gao của Trung Quốc khiến hệ thống vận tải trên thế giới chao đảo.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt. Ảnh: Reuters.
Áp lực lạm phát
Thêm vào đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng, nhất là lương thực và năng lượng. Hôm 27/4, Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đẩy giá khí đốt của châu Âu lên cao.
Cùng ngày, Indonesia thông báo cấm xuất khẩu dầu cọ thể để kiểm soát giá dầu ăn trong nước.
Indonesia chiếm gần 60% nguồn cung dầu cọ trên toàn cầu. Động thái của nước này có thể khiến các chính phủ khác trên thế giới đưa ra những lệnh cấm tương tự. Họ đều phải đảm bảo nguồn cung trong nước khi giá lương thực toàn cầu tăng cao.
Theo Wall Street Journal, đó có thể là một vấn đề kéo dài 1-2 năm, hoặc chỉ là khởi đầu cho thời đại của những căng thẳng địa chính trị, các chính sách bảo hộ và thiên tai, làm chao đảo mạng lưới cung ứng của thế giới.
Theo báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 26/4, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể khiến gánh nặng lạm phát trên thế giới phình to.
WB dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là xung đột Nga - Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.
Tình trạng ùn tắc tại các cảng biển trên khắp thế giới. Ảnh: Bloomberg.
Các ngân hàng trung ương từng đau đầu với tình trạng giảm phát trong những thập kỷ qua. Giờ, họ phải đối mặt với lạm phát tăng nóng.
Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phía phương Tây khiến Nga phải chuyển hướng dòng chảy dầu từ châu Âu sang những khách hàng mới ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng theo ông Zoltan Pozsar - chiến lược gia tại Credit Suisse, quá trình này sẽ tốn thêm 4 tháng chờ đợi và cần 80 tàu chở dầu cỡ lớn.
"Những con tàu đắt tiền hơn, phí vận chuyển cao hơn, các tuyến đường dài hơn, rủi ro gặp cướp biển gia tăng, dẫn tới tiền bảo hiểm nhiều hơn, giá cả biến động hơn", ông Pozsar dẫn một số trở ngại khi Nga chuyển sang các thị trường châu Á.
Trên thực tế, khi các yếu tố cung - cầu đẩy giá lên cao, thị trường sẽ tìm cách khắc phục vấn đề. Chẳng hạn, theo WB, giá dầu tăng cao vào những năm 1970 đã tạo ra các nguồn cung mới từ Vịnh Prudhoe của Alaska và Biển Bắc.
Để đối phó với giá lương thực tăng cao, từ những quốc gia gần như không sản xuất đậu nành, Argentina và Brazil đã sản xuất lần lượt 17% và 50% sản lượng đậu nành trên thế giới.
Khó đảo ngược xu hướng
Nhưng WB cho rằng ngày nay, nhiều chính phủ đang làm theo cách ngược lại. Một số chính phủ đã cắt giảm thuế và hỗ trợ người tiêu dùng đối phó với giá cả tăng cao. Những chính sách này có thể hạ nhiệt thị trường trong ngắn hạn, nhưng lại duy trì nhu cầu, khiến giá tiếp tục tăng.
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019, WB lưu ý rằng các chính phủ cũng thường cấm nhập khẩu khi giá tăng cao và khuyến khích xuất khẩu nếu giá giảm. Điều này làm gia tăng sự biến động theo cả 2 hướng.
Theo ước tính, trong giai đoạn năm 2010-2011, các chính sách tương tự đã góp phần làm tăng giá lúa mì và ngô, khiến 8,3 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
Bắc Kinh giải quyết vấn đề của nước mình bằng cách chuyển chi phí sang cho những nơi khác Các nhà phân tích Chad Bown và Yilin Wang thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson |
Theo các nhà phân tích Chad Bown và Yilin Wang thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu phân bón và thép. Điều này làm tăng giá ở các nước khác.
"Rắc rối của Trung Quốc là nước này tiếp tục đưa ra những động thái như một nước nhỏ", các nhà phân tích chỉ trích. Họ cho rằng những chính sách của Bắc Kinh có thể làm tổn hại đến các nước khác.
"Bắc Kinh giải quyết vấn đề của nước mình bằng cách chuyển chi phí sang cho những nơi khác", các nhà phân tích nhận xét.
Theo giới quan sát, lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.
"Chúng ta có thể chứng kiến một vài sản phẩm khác bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Điều này có thể khiến mối lo ngại phình to", ông Carlos Mera - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp tại Robobank - cảnh báo.
Ngay cả khi những gián đoạn này sớm được giải quyết, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều mối nguy. Đó là căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây, các đòn thuế, lệnh trừng phạt và lệnh hạn chế xuất khẩu. Cùng với đó là những rủi ro liên quan tới thiên tai.
Tác giả: Thảo Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy