Dòng sự kiện:
Những cửa ô nào dẫn quân ta giải phóng Thủ đô?
09/10/2014 08:54:14
ANTT.VN - Ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954 Hà Nội hoàn toàn sạch bóng quân thù. Các cửa ô dẫn quân ta vào giải phóng được ghi lại trong các tài liệu lịch sử.

Tin liên quan

Vì sao lại có câu “năm cửa ô” Hà Nội?

Vào năm 1831, khi vua Minh Mạng cho thành lập “tỉnh Hà Nội” thì khu vực “tỉnh thành” (tức “nội thành”) đã được vẽ bản đồ ngay. Ở tấm bản đồ “Tỉnh thành Hà Nội” năm 1831 ấy ghi rõ tên (chữ Hán) và vị trí của 16 cửa ô [1]

Ô Quan Chưởng ngày xưa

Đến cuối thế kỷ 19, số lượng và vị trí những cửa ô Hà Nội từ năm 1831, gặp những biến động xã hội (chủ yếu là do thực dân Pháp “mở mang”, tây hóa Hà Nội cổ) nên đã thay đổi theo hướng giảm thiểu. Nhưng một bài ca dân gian “vè lục bát” vẫn kể ra được đến 15 cửa ô vào lúc ấy còn tồn tại là:

“Mười lăm ô đứng đường đường:

Yên Ninh, Yên Phụ, Thụy Chương một bề

Tiền Trung, Nghĩa Lập gần kề

Thanh Hà, Ưu Nghĩa, dưới là

Đông Yên.

Cựu Lâu, Mỹ Lộc, Lương Yên

Thịnh Yên, Thanh Bảo, Kim Liên, Thịnh Hào”

Khảo sát những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời sau ngày Cách mạng Tháng Tám – trong đó có thơ Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch… thì thấy: Hình tượng ngôi sao vàng 5 cánh trên lá quốc kỳ đỏ thắm, chính là niềm cảm hứng mãnh liệt để sáng tác văn nghệ của nhiều tác giả thời này.

 Và, con số 5 của những cánh sao vàng thì đã được chuyển hóa để thành con số tượng trưng (phiếm chỉ) cho các cửa ô Hà Nội. Lời ca trong bài “Tiến về Hà Nội” có câu hát “Năm cửa ô đón mừng/ Khi đoàn quân tiến về…” thì 5 cửa ô thực chất là lấy cảm hứng về “5 cánh sao vàng” như vậy.

Cửa ô đón quân ta Giải Phóng

Tuy nhiên, không phải là quân ta đã sử dụng hết (đủ) số cửa ô để tiến về (vào) giải phóng Thủ đô trong ngày 10-10-1954. Các tài liệu chính thức đều thống nhất ghi rõ các diễn biến của việc quân ta tiến vào nội thành Hà Nội, buổi sáng 10-10-1954

8 giờ: Cánh quân phía Tây, xuất phát từ “Quần Ngựa” (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng – Anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị. Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9 giờ 45 phút thì vào đóng trong “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Đông.

Thủ đô được giải phóng trong ngày 10/10

8 giờ 45 phút: Cánh quân phía Nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực “Đồn Thủy” (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và “Đấu Xảo” (Cung văn hóa Hữu Nghị).

9 giờ 30 phút: Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.

Với hai đường tiến binh từ mạn Tây và mạn Nam, sáng 10-10-1954, quân ta đã về (vào) giải phóng Thủ đô, chỉ bằng và qua hai cửa ô, là: Ô Cầu Giấy (tức: Ô Thanh Bảo), và: Ô Cầu Dền (tức: Ô Yên Thọ, ô Thịnh Yên).

[1] 16 cửa ô “tỉnh Hà Nội” năm 1831

1. Ô Yên Hoa (sau kiêng chữ “Hoa” (là tên mẹ vua Thiệu Trị) nên đổi gọi là “ô Yên Phụ”)nay ở ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên bây giờ

2. Ô Yên Tĩnh (tức Yên Định, Yên Ninh về sau) ở chỗ ngã ba đê Yên Phụ - phố Cửa Bắc

3. Ô Thụy Chương (Thụy Khuê) nay ở cổng Trường THPT Chu Văn An trông ra

4. Ô Thạch Khối (tức: Nghĩa Lập về sau) nay ở chỗ đầu dốc Hàng Bún

5. Ô Phúc Lâm (tức: Tiền Trung, nôm na gọi là “ô Hàng Đậu”) nay ở ngã ba Trần Nhật Duật – Hàng Đậu

6.Ô Đông Hà (sau đổi là Thanh Hà, quen gọi là “ô Quan Chưởng”) nay ở ngã ba Trần Nhật Duật – Hàng Chiếu)

7. Ô Trường Thanh (sau đổi gọi là “Ưu Nghĩa”, nôm na gọi là “ô Hàng Mắm”) nay ở đầu phố Hàng Chĩnh bây giờ

8. Ô Mỹ Lộc, nay ở ngã tư Hàng Thùng – Hàng Tre

9. Ô Đông Yên, nay ở ngã tư Lò Sũ - Nguyễn Hữu Huân

10. Ô Tây Luông (Tây Long, sau đổi gọi là Trường Long - Cựu Lâu), ở khu vực Nhà hát Lớn

11. Ô Nhân Hòa, ở gần Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông)

12. Ô Thanh Lãng (sau đổi gọi là Lãng Yên, Lương Yên, quen gọi là “ô Đống Mác”) ở đầu đường Trần Khát Chân

13. Ô Yên Thọ, (sau đổi gọi là Thịnh Yên, quen gọi là “ô Cầu Dền”, ở chỗ cuối phố Huế - đầu phố Bạch Mai)

14. Ô Kim Hoa (sau - vẫn vì kiêng chữ “Hoa” – đổi gọi là Kim Liên, tên dân gian là “ô Đồng Lầm”)

15. Ô Thịnh Quang (sau đổi là Thịnh Hào, quen gọi là “ô Chợ Dừa”, hoặc “ô Cầu Dừa”), ở chỗ ngã năm phố Khâm Thiên - Xã Đàn, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - La Thành)

16. Ô Thanh Bảo (quen gọi là “ô Cầu Giấy”) ở chỗ phố Kim Mã gặp phố Sơn Tây (trước bến xe Kim Mã)

Thu Thủy (TH)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến