Dòng sự kiện:
Những dấu ấn nghị trường năm 2016
31/12/2016 20:42:32
Năm 2016 khép lại với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đặc biệt, hoạt động trên Nghị trường Quốc hội trong năm qua cũng để lại nhiều dấu ấn trong lòng cử tri...

Tin liên quan

Quang cảnh kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV vừa diễn ra từ 20/10-23/11

4 chức danh chủ chốt lần đầu tiên tuyên thệ trước Quốc hội, nhân dân

Khác với mọi năm, năm 2016, có 3 kỳ họp Quốc hội được diễn ra thay vì 2 kỳ họp như thông thường, cùng với đó, đã có 2 lần Quốc hội bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao, 2 lần các chức danh chủ chốt thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân cả nước.

Trước khi chuyển giao nhiệm kỳ, Quốc hội khoá XIII đã bầu các chức danh: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và kiện toàn nhiều chức danh khác.

Chủ tịch Quốc hội khoá XIII Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là nội dung “đặc biệt”, bởi thông thường, các vấn đề về nhân sự cấp cao thường được Quốc hội quyết định ở kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới, chứ không phải ở kỳ họp cuối nhiệm kỳ như vừa qua.

Đặc biệt bởi đây cũng là lần đầu tiên các chức danh chủ chốt Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.

Sau đó vài tháng, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV lại tiếp tục bầu, phê chuẩn các chức danh trên, đồng thời tiếp tục chứng kiến nghi lễ tuyên thệ lần thứ hai.

Việt Nam lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội

Ngày 31/3/2016, với 472/484 đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý (chiếm 95,5% tổng số ĐBQH), bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội khóa XIII đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với đa số phiếu tán thành.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam

Như vậy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Trong lời tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng gửi lời cảm ơn tới người tiền nhiệm - ông Nguyễn Sinh Hùng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (62 tuổi) quê ở Bến Tre. Với bằng thạc sĩ Kinh tế, bà từng đảm nhiệm vị trí giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Phó chủ tịch Quốc hội từ năm 2011.

Bà là ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

Tại lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội năm 2013 và 2014 , bà Ngân đều dẫn đầu danh sách được tín nhiệm cao.

2/3 ĐBQH lần đầu tiên tham gia Nghị trường

Quốc hội khoá XIV ghi dấu ấn khá đặc biệt khi có tới 2/3 ĐBQH được bầu lần đầu tiên tham gia Quốc hội, chỉ có 1/3 đại biểu tái cử.

Tuy nhiên, trái ngược với lo lắng của nhiều người khi cho rằng đại biểu mới còn ít kinh nghiệm, ngại va chạm nên có lẽ sẽ khó hoạt động sôi nổi trên hội trường, lần này, nhiều ĐBQH kỳ cựu cũng vui mừng nhận định, các đại biểu mới đã có sự hoà nhập rất nhanh, nhiều ĐB mới nhưng đã có những phát biểu, chất vấn sâu sắc, để lại dấu ấn cho cử tri và nhân dân, điển hình như ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)…

Cũng liên quan đến các ĐBQH, năm 2016 có thể coi là một năm “mất mát” của Quốc hội khi trong thời gian ngắn, có 2 ĐBQH khoá XIV qua đời, đó là ĐB Thích Chơn Thiện và ĐB Ngô Văn Minh. Trước đó, Quốc hội khoá XIV cũng đã bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh do có sai phạm.

Lần đầu tiên cho ĐBQH quyền tranh luận trực tiếp

Với nhiệm kỳ mới, ở kỳ họp thứ nhất nội dung chủ yếu là làm nhân sự, nhưng đến kỳ họp thứ hai thì Quốc hội đã dành rất nhiều thời gian cho lập pháp, giám sát - trong đó có chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Lần đầu tiên các ĐBQH được quyền giơ biển để xin tranh luận trực tiếp

Để nâng cao hơn hiệu quả của các hoạt động này, Quốc hội đã quyết định một số đổi mới, điển hình như việc cho ĐBQH có quyền giơ biển xin tranh luận trực tiếp, cả ở các phiên thảo luận trên hội trường, và cả trong các phiên chất vấn. Nếu ĐBQH chưa thoả mãn về vấn đề gì có thể giơ biển tranh luận đến cùng, làm rõ vấn đề còn khúc mắc.

Chính sự đổi mới này đã cho thấy có nhiều ĐBQH dù mới nhưng vô cùng sắc sảo, thẳng thắn, không ngại va chạm và sẵn sàng “truy” đến cùng sự việc như mong muốn cử cử tri.

Tuy nhiên, trong các phiên chất vấn, dù đã có đổi mới nhưng nhiều ĐB và cử tri cho rằng các vấn đề “nóng” vẫn chưa được trả lời một cách thẳng thắn, còn vòng vo.

Lần đầu tiên Luật chưa có hiệu lực đã phải sửa

Nhắc đến điểm đặc biệt của nghị trường Quốc hội năm 2016, không thể không đề cập đến câu chuyện liên quan đến lập pháp khi cả Bộ Luật Hình sự 2015 và Luật Về hội đều chưa thể thông qua theo dự kiến ban đầu. Và lần đầu tiên Quốc hội cho ra đời một dự luật khá “độc đáo”, khi chỉ sửa một danh mục của Luật Đầu tư.

Quốc hội khoá XIII thông qua BLHS 2015 với dự kiến hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, tuy nhiên, ngay sau đó phải tạm hoãn thi hành vì phát hiện nhiều sai sót

Trước đó, ngày 27/11/2015, Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) được Quốc hội khoá XIII thông qua, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2017, tuy nhiên, khi chưa có hiệu lực, bộ luật này được phát hiện có hàng trăm lỗi sai cả về nội dung và kỹ thuật, vì thế, Quốc hội ra Nghị quyết quy định lùi hiệu lực thi hành Bộ luật từ 1/7/2016 cho đến khi sửa xong các lỗi trong luật và luật mới có hiệu lực.

Cùng với việc lùi lại hạn thi hành BLHS 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng quyết định cho lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật khác được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Đây được cho là một “sự cố đáng tiếc” và là bài học lớn trong quá trình xây dựng pháp luật.

Theo Báo Giao thông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến