Dòng sự kiện:
Những điểm du lịch không thể bỏ qua ở Yên Bái
18/08/2016 09:32:03
ANTT.VN - Yên Bái nơi cửa ngõ miền Tây Bắc là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ với trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Nơi đây, tiềm năng du lịch hấp dẫn với những địa danh thắng cảnh nổi tiếng như Mà Cang Chải, Bản Lìn Mông, cánh đồng Mường Lò… khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng.

Tin liên quan

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, giáp với Thị xã Nghĩa Lộ, Mường La và Than Uyên của Lai Châu. Từ Hà Nội để đến với Mù Cang Chải bạn có thể lựa chọn đi theo hướng Quốc lộ 32 để cùng với đó khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Mù Cang Chải nổi tiếng nhất với khách du lịch bởi “đặc sản” ruộng bậc thang.

Với hơn 700ha ruộng trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn bạn sẽ không thể cưỡng lại được sự quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa. Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.

Bản Lìm Mông

Đường vào Lìm Mông phải vượt qua bản người Thái nằm gần suối Nậm Có, theo đúng tập tục định cư và sinh sống của người Thái, ở gần nguồn nước. Những ngôi nhà sàn bản Lìm Thái nằm rải rác bên đường, nhất là đoạn đã bêtông hóa.

Nhưng ở bên kia con suối đi lên bản Lìm Mông vẫn là con đường đất đỏ, sống trâu, sống ngựa nhập nhằng. Con đường đất đỏ, bụi mờ trong nắng khô. Những góc cua vừa gắt vừa dốc đến mức sẽ khiến chiếc xe máy của du khách như muốn trôi tuột lại phía chân dốc. Vào ngày mưa hẳn sẽ là một thách thức đáng sợ cho các tay lái, dù xe có đi số 1 nhưng vẫn chỉ dền dứ mà xoay tít quay vòng vì trơn trượt. Còn 4km nữa mới đến bản Lìm Mông cao cao, du khách muốn lên bản thì cũng phải đành để lại những chiếc xe máy lấm lem bùn đất nơi đầu dốc mà đi bộ ngược lên.

Bản Lìn Mông

Đến mùa lúa, người ta sẽ ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp không hai của những cánh đồng bậc thang, những thành quả lao động tuyệt vời của bà con dân tộc Mông suốt một năm trời. Hương lúa mới dịu ngọt như xua tan cái nắng hanh khô gay gắt. Những cánh lúa dài, trĩu hạt, xanh mướt. Lúa cấy một mùa đang mang trên mình tấm áo của trù phú và ấm no.

Vào buổi chiều, Lìm Mông trở nên thơ mộng và đẹp lạ thường, đặc biệt là vào mùa gặt. Những đám mây nối đuôi nhau ngả màu hồng nhạt nơi cuối chân trời. Đàn chim bay mải miết trên những cánh đồng óng ả, mênh mông của mùa gặt hái. Lũ chim sẻ rinh rích trên mái nhà, nơi lúc lỉu những trái bí đỏ đã chín ửng. Gió xào xạc những sóng lúa vàng, lúa xanh dập dờn thoảng hương. Lũ trẻ í ới gọi nhau đưa trâu về nhà. Con đường nghiêng bóng vai gầy của những cô gái người Mông địu con về bản.

Suối Giàng

Xã Suối Giàng huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái trên độ cao 1.371m so với mực nước biển, nằm sâu trên dãy núi Phan Xi Phăng hùng vĩ. Đây là quê hương của loại chè Shan cổ thụ với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Khí hậu ở Suối Giàng bốn mùa se lạnh, tựa như Sapa, Đà Lạt. Chỉ mất chút ít thời gian thả hồn cùng những dải lúa cong cong theo vạt núi, từng nương ngô, nương cải xanh non trong sương bay bảng lảng là thấy mình như đứng trên mây.

Suối Giàng nổi tiếng với cây chè tuyết Shan

Từ trên cao nhìn xuống là biển lúa rộng mênh mông vàng óng Mường Lò – vựa lúa lớn thứ hai của khu vực Tây Bắc và thị xã Nghĩa Lộ thanh bình cùng nhịp sống của 13 dân tộc anh em. Tại đây, du khách có thể lên những cây chè cổ thụ trên trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Hmông mến khách, hay đi dạo dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy

Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính lên tới 100cm. Chè tuyết nơi đây phát triển tự nhiên trong tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, chẳng cần phân bón mà vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Lộc non sao lên, pha nước sôi, hương vị bốc lên thơm ngây ngất, uống vào thấy đượm vị ngọt lâu trên đầu lưỡi. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp, cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi đó là cây chè của đất trời ban tặng cho người Mông của xứ sở này.

Cánh đồng Mường Lò

Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò. Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.

Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh – Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên). Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu chuyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào.

Câu tục ngữ: “Thái theo nước, Xá theo lửa” nói về tập quán canh tác của người Thái trồng lúa nước, người Xá (Khơ Mú) đốt nương làm rẫy. Còn ông Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được rất đông người biết đến.

Ai đã một lần du lịch đến Tây Bắc, đặc biệt là đặt chân đến đất Mường Lò, mà chưa được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái, thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn. Không chỉ có gạo trắng, nước trong, Mường Lò còn níu chân du khách bằng những điệu xòe nồng say, quyến rũ của người Thái đen sinh sống nơi đây.

Xòe Mường Lò có xòe Mường, xòe Tày, múa xòe của mỗi dân tộc nơi đây đều có nét độc đáo riêng. Truyền thống xòe Thái nổi bật hơn, trầm bổng hơn, có nhạc xòe bằng khèn bè trống mõ với ống nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh làm nhạc nền cho người múa. Múa xòe làm cho người lạ bỗng thành quen, ngồi trên nhà sàn uống rượu vừa múa xòe nghe hát dân ca nhìn ra cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín thì cảm giác thư thái tuyệt vời khi du lịch nơi đây.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến