Những dự án 'hụt' của bầu Hiển tại Bộ GTVT
18/05/2015 10:22:26
ANTT.VN - Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) luôn biết cách làm dư luận dậy sóng với những quyết định táo bạo của mình qua những lần “đánh tiếng” đầy tham vọng muốn mua lại cảng Quảng Ninh, sân bay Phú Quốc, nhà ga Hà Nội. Mới đây nhất, Tập đoàn T&T của ông bầu này còn muốn lấn sân sang lĩnh vực y tế khi là đăng ký là cổ đông chiến lược cổ phần hóa bệnh viện GTVT.

Tin liên quan

 

Là chủ tịch HĐQT của Công ty CP T&T, bầu Hiển hoạt động trên hàng loạt lĩnh vực như bất động sản, tài chính (ngân hàng SHB, công ty chứng khoán SHS, công ty quản lý quỹ SHF…), bóng đá (CLB bóng đá Hà Nội T&T), hay kinh doanh xuất nhập khẩu. Chuyện bầu Hiển giàu thì ai cũng biết, nhưng giàu bao nhiêu, giàu như thế nào thì hiện nay chưa có thống kê nào có thể định lượng được khối tài sản của ông.

Thời gian gần đây, Bầu Hiển liên tục ngỏ ý mua lại các dự án của Bộ GTVT

Thế nhưng, chỉ với mỗi lần quyết định lấn sân sang lĩnh vực mới – theo tham vọng tiến tới năm 2020, T&T sẽ trở thành tập đoàn đa ngành đa quốc gia trên trường quốc tế - dư luận lại được một phen “trầm trồ” với độ “chịu chơi” của vị Chủ tịch này. Hàng loạt các dự án lớn với giá trị hàng nghìn tỷ đồng đều có sự góp mặt của Công ty T&T, và gần đây có xu hướng chú trọng các dự án của Bộ Giao thông vận tải hơn cả.

Đầu tư thật hay chỉ đánh tiếng cho sang?

Hồi đầu tháng 2/2015, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính thức trình lại Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án thoái toàn bộ 98,02% vốn điều lệ tại Cảng Quảng Ninh (tương đương 49.060.387 cổ phần). Theo các chuyên gia, đợt thoái vốn này được đánh giá là có quy mô lớn nhất và triệt để nhất kể từ khi Vinalines được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT “bật đèn xanh” để mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển.

Ngay từ tháng 8/2014, ông Đỗ Quang Hiển đã gửi văn bản tới Bộ GTVT, đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần nhà nước tại cảng Quảng Ninh. Thậm chí vào tháng 9/2014, Vinalines và ông Hiển đã có buổi làm việc, để tìm hiểu tình hình doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển cụ thể của Cảng Quảng Ninh.

Tập đoàn T&T muốn mua lại 100% vốn Nhà nước tại Cảng Quảng Ninh 

Cho đến đầu tháng 1/2015, ông Hiển một lần nữa thể hiện quyết tâm nắm giữ cảng Quảng Ninh, thông qua việc mua lại cổ phần của Nhà nước dưới hình thức chỉ định, đồng thời cam kết phát triển kinh doanh, giải quyết việc làm tại cảng theo đúng định hướng của Chính phủ, Bộ GTVT.

Một dự án khác cũng thuộc quản lý của Bộ GTVT là Cảng hàng không (CHK) quốc tế Phú Quốc cũng được Tập đoàn T&T đề xuất 2 phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.

T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp CHK Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

T&T là nhà đầu tư đầu tiên chính thức công khai ý định đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sau khi Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.

Thế nhưng, một nhà đầu tư khác là ông Jonathan Hạnh Nguyễn - người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực vận tải hàng không - cũng muốn góp phần trong thương vụ đầy tiềm năng này. Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bày tỏ nguyện vọng nhượng quyền khai thác sân bay này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, hiện các doanh nghiệp mới có văn bản “dừng ở mức nêu nguyện vọng” chứ chưa thể hiện phương án cụ thể. Cùng với đó, chủ trương thí điểm nhượng quyền còn phải chờ Thủ tướng cho ý kiến nên Bộ chưa nghĩ đến việc nghiêng về bên nào.

Đến ngày 15/04 vừa qua, ông Huỳnh Vĩnh Lạc - chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết địa phương này vừa chỉ định Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc (thuộc Tập đoàn Vingroup) là nhà đầu tư cho dự án cảng hành khách quốc tế Phú Quốc theo hình thức BOT, với thời hạn chuyển giao sau 30 năm kể từ ngày hoàn thành đưa vào khai thác. Cuộc đua giành quyền hợp tác với Bộ GTVT của bầu Hiển lại một lần nữa bị lỡ hẹn.

Mới đây, Bầu Hiển lại tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xin đầu tư ga Hà Nội theo chủ trương xã hội hóa. Theo đó, ông Hiển cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng đúng tiến độ của Bộ GTVT và TP Hà Nội, nhằm đóng góp và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Lãnh đạo Tập đoàn T&T bày tỏ  “Với năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện các dự án của mình, Tập đoàn T&T kính đề nghị Bộ GTVT xem xét và chấp thuận cho chúng tôi được làm nhà đầu tư ga Hà Nội”.

Thế nhưng, một lần nữa, chiến lược “đánh tiếng cho sang” của bầu Hiển tiếp tục gặp trở ngại khi ông Trần Ngọc Thành ,Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho biết: “Về việc tập đoàn T&T có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải xin được đầu tư vào nhà ga Hà Nội thì tôi mới chỉ nghe qua, chưa nghiên cứu rõ, chưa biết họ đề nghị đầu tư và hình thức đầu tư như thế nào nên chưa có bình luận”.

Đại gia thích lấn sân

Nhìn lại sự nghiệp kinh doanh của Bầu Hiển đã cho thấy đây dường như là một phong cách rất riêng của đại gia này. Ông luôn tấn công vào các lĩnh vực mới mẻ với chính mình từ kinh doanh điện tử, điện lạnh hồi đầu những năm 90, lắp ráp xe máy đầu những năm 2000 và rồi tấn công vào lĩnh vực ngân hàng với Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ, rồi chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, BĐS, khoáng sản và thể thao...

Tham vọng mới đây nhất của bầu Hiển là đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược trong kế hoạch cổ phần hóa bệnh viện công đầu tiên tại Hà Nội – Bệnh viện Giao thông vận tải – đơn vị tiếp theo thuộc quyền quản lý của bộ GTVT. 

co-phan-hoa-benh-vien

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện GTVT (ảnh: tuoitre.vn)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, cho biết tính đến thời điểm này có 4 nhà đầu tư gửi văn bản đề xuất tham gia làm cổ đông chiến lược, bao gồm CTCP phát triển ứng dụng công nghệ Y cao, CTCP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bảo Sơn, Công ty TNHH Brookline Medical Singapore và CTCP Tập đoàn T&T.

Sau khi xem xét đề xuất, hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính và phương án kinh doanh của các nhà đầu tư đã gửi bộ GTVT, đối chiếu với tiêu chính nhà đầu tư chiến lược do ban chỉ đạo CPH đề xuất thì Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đáp ứng đầy đủ tiêu chính nhà đầu tư chiến lược theo quy định.

Theo đó, khi đã chọn mặt gửi vàng, Bộ chủ quản bệnh viện GTVT đã đề nghị thủ Tướng phê duyệt nhà đầu tư chiến lược c là Công ty cổ phần tập đoàn T&T.  Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục để hoàn thành việc CPH theo đúng quy định pháp luật”, thứ trưởng Trường cho biết.

Chủ đề cổ phần hóa bệnh viện công đã không còn mới sau khi kế hoạch CPH bệnh viện Bình Dân – TP Hồ Chí Minh năm 2007 đi vào ngõ cụt. Lúc đó, Sở Y tế TPHCM cho rằng để xã hội hóa bệnh viện công đến nơi đến chốn thì cách tốt nhất là cổ phần hóa - minh bạch chuyện quản lý theo mô hình doanh nghiệp - hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (chứ xã hội hóa như hiện nay thì công - tư lẫn lộn).

Tuy nhiên, đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân đã phải dừng lại vì Nhà nước lo ngại, khi tư nhân hóa bệnh viện (dù một phần) bệnh viện sẽ hoạt động như một doanh nghiệp thì lợi nhuận sẽ là mục tiêu của bệnh viện - lúc đó người nghèo, người yếu thế trong xã hội sẽ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế.

Liệu rằng, với kế hoạch cổ phần hóa lần này của Bệnh viện GTVT, những vấn đề cũ có được giải quyết triệt để hay không? Hay đây lại trở thành “miếng bánh ngọt” cho các nhà đầu tư?

Không bàn đến kết quả của những lần “ngỏ ý” đầy tham vọng của Bầu Hiển thời gian qua, nhưng dư luận đã thêm nhiều lần kinh ngạc với độ chịu chi và những lần khẳng định tiềm lực kinh tế vững mạnh của đại gia này.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến