Chưa xong cảng biển, Bầu Hiển lại muốn mua sân bay
11/03/2015 09:33:47
ANTT.VN – Thương vụ 500 tỷ đồng để mua cảng Quảng Ninh chưa hoàn thành, bầu Hiển tiếp tục gây sốc bằng việc đề nghị mua lại sân bay Phú Quốc.

Tin liên quan

Công ty cổ phần Tập đoàn T&T vừa có đề nghị với Bộ GTVT được mua Cảng hàng không (CHK) quốc tế Phú Quốc. 

Đề nghị mua sân bay Phú Quốc

Theo đó, T&T đề nghị mua theo hai phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.

T&T cũng thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp CHK Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Nhà ga sân bay quốc tế Phú Quốc hiện đã hoàn thành

CHK quốc tế Phú Quốc (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)  được chính thức khánh thành vào ngày 15/12/2012 với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư.

CHK này đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có đường hạ cất cánh rộng 45m , dài  3000m, có thể tiếp nhận được tàu bay thân rộng loại Boeing 747- 400 và tương đương.

Cảng có sân đậu máy bay cho 8 vị trí đậu cho máy bay A320- A321 vào giờ cao điểm. Nhà ga hành khách có diện tích 24.325 m2, công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm.

Các hạng mục quan trọng khác như đài kiểm soát không lưu, nhà ga hành khách, phòng chờ… được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, trong cuộc họp về đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị ACV xây dựng ngay phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc trong năm 2015 và chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay khác.

Với đề nghị trên, T&T là nhà  đầu tư đầu tiên bày tỏ mong muốn đầu tư vào CHK  tế Phú Quốc sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT có chỉ đạo chính thức cho ACV  xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác CHK quốc tế Phú Quốc.

Chi 500 tỷ đồng mua cảng Quảng Ninh

Không chỉ muốn mua lại sân bay Phú Quốc, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển còn dự định chi 500 tỷ để mua lại toàn bộ cổ phần tại Cảng Quảng Ninh.

Quyết định của Chính phủ về việc rút hết vốn Nhà nước tại cảng Quảng Ninh những ngày cuối năm 2014 vừa qua được xem là một quyết định khá bất ngờ. Bởi trong  Đề án tái cơ cấu Vinalines (sửa đổi) tháng 11-2014, Chính phủ vẫn quyết định Nhà nước sẽ nắm giữ từ 51% đến 65% vốn điều lệ tại sáu cảng, trong đó có cảng Quảng Ninh. Trong đợt IPO hồi cuối tháng 5-2015, cảng Quảng Ninh bị “ế” khi chỉ bán được 7,5% trong tổng sống 11,3 triệu cổ phần chào bán, với giá 11.000 đồng/cổ phần, thu về chưa đầy 10 tỉ đồng. Tính đến nay, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 98% vốn điều lệ tại cảng.

Cảng Cái Lân, thuộc cảng Quảng Ninh

Theo thông từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, sau khi Nhà nước cho phép doanh nghiệp được thoái vốn Nhà nước hiện có tại đây vào ngày cuối cùng của năm 2014 thì đến nay, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển là cái tên đầu tiên muốn mua lại toàn bộ cổ phần.

Trước đó, tháng 8/2014, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB đã gửi văn bản tới Bộ GT-VT đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần nhà nước tại cảng Quảng Ninh.

Một tháng sau, Vinalines và bầu Hiển đã có buổi làm việc để tìm hiểu tình hình doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển cụ thể của cảng Quảng Ninh.

Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có văn bản đồng ý với đề xuất bán phần vốn nhà nước còn lại tại Cảng Quảng Ninh vào cuối năm 2014 thì ngay đầu năm 2015, bầu Hiển một lần nữa thể hiện sự quyết tâm đầu tư vào Cảng Quảng Ninh khi đề xuất hình thức chỉ định đồng thời cam kết phát triển kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm tại cảng theo đúng định hướng của Chính phủ, Bộ GT-VT.

PV (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến