Dòng sự kiện:
Những dự án 'nham nhở trên đất vàng', làm 'xấu mặt' TP Hà Nội
19/06/2019 08:35:06
Những dự án được quảng bá "dát vàng" tại Hà Nội thường nằm ở những vị trí đẹp. Việc chậm tiến độ đa số bởi thay đổi chủ đầu tư hoặc không bán được hàng.

Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô vẫn tồn tại không ít dự án bỏ đất trống, chưa triển khai thực hiện. Theo nhiều chuyên gia, đây là hành vi bao chiếm đất, các chủ dự án không đủ năng lực tài chính chỉ “chạy” dự án rồi chờ thời cơ sang tay, hợp tác. Với các trường hợp này, Nhà nước không thu được gì, dẫn tới tình trạng hoang phí tài nguyên đất, sự khốn đốn của hàng ngàn hộ dân đi không nỡ, ở chẳng xong do dự án "treo".

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án "ôm đất" quá 3 năm chưa triển khai.

Trước yêu cầu nghiêm khắc trên, nhiều dự án đặc biệt là dự án sở hữu vị trí "vàng" giữa thủ đô có khả năng phải đứng trước nguy cơ bị "khai tử".

Trong số hàng trăm dự án treo trên địa bàn TP.Hà Nội, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đóng góp không ít.

Đơn cử, Dự án D’San Raffles tại 22 – 24  Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Đây là dự án nằm ở vị trí cực “đắc địa”, với hai mặt tiền là Hàng Bài và Hai Bà Trưng. Tân Hoàng Minh dự kiến xây dựng tại đây một tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang đẳng cấp. Dự án có tổng diện tích 4.072,9m2 này được TP.Hà Nội thu hồi đất và giao cho Tân Hoàng Minh từ năm 2004. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án này vẫn đang được quây bằng những tấm biển quảng cáo và bên trong biến thành bãi trông giữ xe.

Dự án rộng 4.000m2 tại số 22 - 24 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bị bỏ hoang 8 năm nay. Trước đây, dự án này thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, hiện nay khu đất đã đổi chủ.

Dự án 94 Lò Đúc cũng là một vị trí đắc địa mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư và vẫn chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. Vị trí này theo dự kiến sẽ mọc lên 2 toà cao ốc cao 33 - 35 tầng. Được biết, khu đất 94 Lò Đúc khá nổi tiếng trong giới đầu tư nhà đất không chỉ bởi vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố mà còn sở hữu 3 mặt tiền Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ - Hoà Mã mà còn bởi hành trình dài trước khi về tay Tân Hoàng Minh. Hơn 9 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến không ít khách hàng khốn khổ khi hợp tác đầu tư góp vốn.

D’.Palais de Louis (tại Nguyễn Văn Huyên) cũng là một trong những dự án dát vàng của Tân Hoàng Minh từng tốn không ít giấy mực của báo chí. Cao 27 tầng với các căn hộ có diện tích 153-203 m2, công trình được khởi công từ cuối năm 2009. Khi đó, mức giá bán lên tới 145 triệu đồng mỗi m2, người mua phải bỏ ra 13-27 tỷ đồng (1,3 triệu USD) để sở hữu căn hộ. Khách mua các căn penthouse tại đây thậm chí phải trả khoảng 100 tỷ đồng.

Chủ đầu tư tuyên bố sẽ xây một công trình xa hoa và lộng lẫy không khác gì sự vương giả của cung điện Versailles ở Paris (Pháp), trong đó các công tắc điện, vòi nước, bàn ăn, đến bồn tắm cũng được mạ vàng.

Sau đợt mở bán đầu tiên - năm 2011, dự án D’. Palais de Louis đã có 60 khách hàng đặt cọc, đăng ký mua (chiếm khoảng một phần tư dự án), nhưng do không thể bàn giao nhà đúng cam kết - năm 2015, tháng 12/2014, chủ đầu tư quyết định trả tiền (gồm cả lãi) cho những người không muốn tham gia mua dự án. Khi đó, lý giải với báo giới về việc trả lại tiền đặt cọc của khách, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết hầu hết đều do nguyên nhân chủ quan như xin giấy phép quy hoạch, đền bù, giải tỏa...

Hai năm trước, khi dự án bắt đầu hoàn thiện phần thô, chủ đầu tư từng mở bán lại và giá mỗi m2 không được công khai. Tuy nhiên, việc bán hàng lúc đó cũng gặp nhiều bế tắc, thậm chí không có giao dịch. Đến nay, dự án được hoàn tất đến 90%, song kế hoạch bán hàng của chủ đầu tư vẫn chưa cụ thể.

Cũng dễ dàng “điểm danh” hàng loạt dự án “đất vàng” ở Hà Nội hiện chưa biết đến khi nào hoàn thành. Đơn cử như Dự án tòa nhà đa năng 131 Thái Hà (do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng làm chủ đầu tư) được khởi công năm 2008, trên khu đất có diện tích 6.745m2 ngay mặt đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội). Thời điểm hoàn thành dự án đã qua rất lâu (2010) nhưng đến nay công trình vẫn đang tạm dừng ở tầng thứ 11. Hay như Dự án 198B Tây Sơn (Dự án do Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư Tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư); Dự án BIDV Diamond Phạm Hùng (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ đầu tư); Dự án Tòa tháp HaBiCo 288 Phạm Văn Đồng (Công ty CP Hải Bình (HABICO) làm chủ đầu tư); Dự án 16 Láng Hạ (Công ty TNHH phát triển Phương Đông làm chủ đầu tư). 

Tiếp đó, nằm trên địa bàn quận Hà Đông, dự án Khu nhà ở Văn La có tổng diện tích 12,29ha thuộc địa bàn phường Phú La đang được chủ đầu tư để mọc cỏ cả chục năm nay. Được biết, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi đất, giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Văn La.

Dự án dự kiến hoàn thành năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, Sudico vẫn để dự án là bãi đất hoang. Đặc biệt, một phần diện tích trong dự án này đã sử dụng sai mục đích, biến thành bãi đỗ xe…

Chủ đầu tư dự án Golden Lake (cạnh hồ Giảng Võ) vừa công bố giá bán dự kiến của mỗi m2 căn hộ dát vàng vào khoảng 6.500 USD. Đây là một trong những dự án có vị trí đắc địa, song quá trình triển khai gặp không ít gập ghềnh do thay đổi chủ đầu tư.

Toạ lạc ở B7 Giảng Võ, Golden Lake có quy hoạch cũ là toà nhà văn phòng, nhà ở, do Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mefrimex làm chủ đầu tư. Đơn vị này khởi công dự án từ cuối năm 2009, song "đắp chiếu" trong suốt 10 năm qua do chủ đầu tư cũ không có năng lực tài chính.

Cùng với việc được chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Hòa Bình, dự án cũng chuyển công năng thành khu khách sạn, căn hộ. Đặc biệt, chủ đầu tư mới cho biết bề mặt bên ngoài toà nhà khoảng 5.000 m2 được ốp bằng gạch phủ vàng, nội thất mạ vàng 24k và một bể bơi vô cực bốn mùa dát vàng ở độ cao khoảng 90 m.

Công ty TNHH Hòa Bình được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án dát vàng tại Hà Nội, Đà Nẵng. Riêng ở Hà Nội, Hòa Bình là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai dự án dát vàng, có tên gọi Hòa Bình Green City (tại Minh Khai). Công ty này dát vàng hệ thống thang, thành lan can căn hộ và các thiết bị của nhà vệ sinh. Tuy nhiên, năm ngoái, sau vài năm bàn giao, cư dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án bị thế chấp ngân hàng nên cư dân đã nhiều lần căng băng rôn gây áp lực với chủ đầu tư. Khi đó, chủ đầu tư cũng bị "tố" vì không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị.

Phía Tây Hà Nội, một dự án ở mặt đường Phạm Hùng được chủ đầu tư quảng cáo dát vàng nội thất. Dự án này từng thuộc về một chủ đầu tư là Công ty TNHH Mai Trang, song do năng lực yếu kém và xây khi chưa có giấy phép nên liên tục bị dừng thi công... Công trình sau đó được chuyển nhượng sang chủ đầu tư mới và dự kiến bàn giao năm 2018, song đến nay vẫn chưa hoàn tất. Tại dự án, chủ đầu tư mới quảng cáo có nhiều hạng mục nội thất dát vàng, cùng với đó là những tiện ích như bãi đậu trực thăng, khu trưng bày siêu xe...

Bên cạnh địa bàn các quận, nhiều khu đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng đang trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm. Điển hình như, tại xã Tiền Phong nơi tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh, với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị quy mô hàng trăm hec-ta như: Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Công ty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha.. đều trong tình trạng "đắp chiếu", cỏ mọc um tùm.

Khách hàng hiện rất tinh và thực tế. Họ đánh giá sản phẩm có tốt hay không dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có việc nhìn vào những dự án khác mà chủ đầu tư đã triển khai xem có bàn giao đúng hạn không, chất lượng ra sao, dịch vụ sau bán hàng như thế nào... Dựa trên những yếu tố đó họ sẽ quyết định có nên gửi gắm niềm tin vào chủ đầu tư đó hay không. Với những dự án dang dở như vậy, khiến cho bộ mặt của Thủ đô vừa thêm "nham nhở", vừa khiến niềm tin của người dân vào các chủ đầu tư mất dần.

Hoàng Dung

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến