Những 'đứa con' bất trị của Agribank
13/02/2017 16:11:04
Agribank sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề trước khi nghĩ tới chuyện cổ phần hóa.

Tin liên quan

Theo lộ trình, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tiến hành cổ phần hóa từ nay tới năm 2020. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank ông Trịnh Ngọc Khánh đã khẳng định năm 2016 là giai đoạn đơn vị loại bỏ những tồn tại, bắt đầu từ 2017 triển khai các thủ tục để rồi nỗ lực đến năm 2018, Agribank sẽ chính thức chuyển sang hoạt động với tư cách ngân hàng thương mại cổ phần.

Agribank hiện là ngân hàng chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, với dư nợ trong ngành này luôn xấp xỉ 30% tổng mức tín dụng. Cùng với hệ thống hơn 2.000 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, đây là những lợi thế không nhỏ của Agribank nhằm hấp dẫn giới đầu tư. Tuy nhiên những khó khăn để lại trong thời kỳ trước đang đặt ra rất nhiều chướng ngại, giảm sức hút của Agribank, khiến cổ phần hóa hoặc không sớm diễn ra như kế hoạch, hoặc diễn ra song giá trị thu về cho ngân sách không cao, chưa tương xứng với tiềm năng của ngân hàng số 1 Việt Nam một thời.

Ảnh minh họa.

Lãi lớn, lỗ lũy kế vẫn tăng

Năm 2015, Agribank lãi sau thuế gần 2.400 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 8,3%, là kết quả không tồi xét trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng đang trong thời kỳ hồi phục. Tổng tài sản tăng 15% lên 874.807 tỷ đồng, trong đó tín dụng chiếm tới gần ¾, với số dư tính tới cuối kỳ là 618.114 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, tiền gửi của khách hàng cũng tăng 16% lên 763.361 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ổn định ở mức 29.004 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong số các ngân hàng thương mại nhà nước xét về quy mô vốn.

Đáng chú ý, mặc dù lãi không nhỏ, song lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2015 của Agribank tiếp tục tăng lên so với năm 2014, từ 2.931 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng. Điều này có thể giải thích bằng việc nhà băng này trong kỳ đã trích các quỹ 2.551 tỷ đồng, vượt xa lợi nhuận thu về, trong đó trích quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ thưởng ban điều hành 1.083 tỷ đồng. Tình trạng mạnh tay trích lập quỹ trong khi vẫn đang lỗ lũy kế đã diễn ra trong nhiều năm qua tại Agribank. Năm 2014, Agribank cũng đã dành ra hơn 2.200 tỷ cho các quỹ của mình, trong khi lãi sau thuế chỉ đạt 1.723 tỷ đồng, khiến lỗ lũy kế trong năm này tăng thêm hơn 600 tỷ đồng.

Khoản lỗ lũy kế nghìn tỷ trên đã xuất hiện trong các báo cáo tài chính của Agribank từ trước năm 2011, thời điểm ngân hàng này chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu (lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2011 là 3.249 tỷ đồng). Như vậy, sau 4 năm, Agribank gần như vẫn chưa xử lý hiệu quả những “tàn tích” trong quá khứ, khi mà lỗ lũy kế không những không được cải thiện, mà còn có dấu hiệu tăng trở lại trong 2 năm 2014-2015. Với bối cảnh như vậy, việc nhà băng này liên tục trích lập phần lớn lợi nhuận cho các quỹ, trong đó có dành để trả thưởng ban điều hành là rất đáng lưu tâm. Trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), chỉ một doanh nghiệp có các chỉ tiêu tài chính lành mạnh, trong đó không ghi nhận lỗ lũy kế thì mới tạo ra sức hút lớn đối với giới đầu tư.

Ám ảnh nợ xấu

Số dư nợ xấu (các nhóm 3,4,5) của Agribank tính tới cuối năm 2015 là 17.139 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 11.062 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,73%, nằm dưới ngưỡng giới hạn an toàn 3% của Ngân hàng Nhà nước, và cũng thấp hơn so với mức 6% 4 năm về trước.

Song để đạt được tỷ lệ này, Agribank trong năm 2015 đã bán tới hơn 20.000 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nâng số dư trái phiếu đặc biệt mua của VAMC từ 25.654 tỷ đồng lên 46.090 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD, biến Agribank trở thành nhà băng bán nợ xấu nhiều nhất cho VAMC, vượt xa các đơn vị đứng sau như Sacombank, BIDV, Vietinbank, Maritime Bank hay SeaBank. Dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC của Agribank trong kỳ cũng theo đó tăng mạnh từ 1.692 tỷ đồng lên 6.198 tỷ đồng, góp phần “bào mòn” lợi nhuận của Ngân hàng.

Mặc dù “mạnh tay” đẩy nợ xấu cho VAMC, tuy nhiên nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của Agribank vẫn ở mức 43.120 tỷ đồng. Có nghĩa rằng tất cả các khoản nợ nhóm 2,3,4,5 chiếm tới gần 1/10 tổng dư nợ tín dụng của Agribank. Gánh nặng nợ xấu khiến Agribank phải trích lập dự phòng 12.245 tỷ đồng trong năm 2015 (tính tới cuối kỳ mới trích lập được 9.975 tỷ đồng) đối với các khoản cho vay khách hàng.

Nợ xấu sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với Agribank, “ăn mòn” lợi nhuận và tạo áp lực lớn lên kết quả kinh doanh trong những năm tới, khi mà chưa kể dự phòng (chung và cụ thể) cho khoản tín dụng lên tới 7-800.000 tỷ đồng mỗi năm, Agribank sẽ phải trích ra hơn 4.000 tỷ đồng hàng năm để xử lý nợ xấu bán cho VAMC theo quy định hiện hành, đó là trong trường hợp Nhà băng này sẽ không phải bán thêm nợ xấu cho VAMC.

Gánh nặng công ty con

Nhắc tới các đơn vị con của Agribank, không thể không kể tới các Công ty cho thuê tài chính 1 và 2 (ALC I, ALC II), có thể nói là những tác nhân trực tiếp khiến Agribank rơi vào tình trạng khó khăn trong nhiều năm qua.

Tại ALC I, doanh nghiệp này tiếp tục chìm trong khó khăn với lỗ lũy kế tính tới cuối năm 2015 là 753 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 477 tỷ đồng. Nợ quá hạn chiếm tới 40,16% tổng công nợ phải trả. Mặc dù Công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu, xử lý các khoản nợ xấu cũng như tìm nguồn hỗ trợ tài chính để đảm bảo hoạt động trong những năm tới. Song chính đơn vị kiểm toán cho Agribank là Ernst & Young Việt Nam đã bày tỏ nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của ALC I.

Tình hình ở ALC II còn bi đát hơn gấp bội, tính tới ngày 31/12/2015, doanh nghiệp có vốn điều lệ vỏn vẹn 430 tỷ đồng đã lỗ âm vốn chủ sở hữu 10.922 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 11.352 tỷ đồng. Khoảng 5.000 tỷ đồng vay của khách hàng và các tổ chức tín dụng khác đã quá hạn và gần như không thể chi trả. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm ở trạng thái âm. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã nhận định ALC II mất khả năng thanh toán và không thể phục hồi, qua đó yêu cầu cho phá sản đơn vị này.

Việc 2 công ty con gặp khó khăn nghiêm trọng khiến hàng nghìn tỷ đồng tài sản của Agribank có nguy cơ “bốc hơi”. Agribank tính tới cuối năm 2015 cũng đang tồn tại khoản phải thu từ cho thuê tài chính của ALC I và ALC II với số dư lên tới 3.042 tỷ đồng.

Cũng liên quan tới 2 doanh nghiệp kể trên, Agribank ghi nhận khoản đầu tư vào tài sản cho thuê tài chính 1.434 tỷ đồng, là số tiền ALC I và ALC II đã giải ngân theo các hợp đồng đầu tư, tuy nhiên các dự án này hoặc bị kéo dài hoặc không thể hoàn thành đúng tiến độ, làm cho khoản đầu tư bị quá hạn và phải gia hạn nhiều lần, đe dọa khả năng mất vốn. Ngoài ra, Agribank cũng phải đứng ra trả thay 1.780 tỷ đồng riêng cho ALC II theo phán quyết của tòa án.

Một thành viên khác của Agribank cũng hoạt động èo uột là Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng NN&PTNT (Agriseco). Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lên tới 2.120 tỷ đồng này tính tới cuối 2016 đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế 572 tỷ đồng. Và nếu không khởi sắc đột biến trong năm 2017, nhiều khả năng Agriseco cùng mã cổ phiếu AGR sẽ bị hủy niêm yết trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (lỗ 3 năm liên tiếp). Cổ phiếu AGR đã giao dịch với mức giá dưới 3.000 đồng/ CP suốt gần 1 năm qua.

Với những khó khăn đã đề cập, có thể phần nào thấy được tại sao chủ trương cổ phần hóa Agribank đã có từ lâu, song tới hiện tại vẫn chưa thực hiện được. Nhằm IPO có hiệu quả, thu về số tiền lớn nhất cho ngân sách, thiết nghĩ những người đứng đầu Agribank cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các tồn tại, đặt trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước lên đầu. Tuy nhiên cũng cần dũng cảm loại bỏ “ung, nhọt”, lành mạnh hóa, từng bước làm mới và giúp Agribank trở lại “đường đua”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến