Dòng sự kiện:
Trăng tròn nhưng trung thu khuyết của những đứa trẻ 'lớn lên từ bùn đất ven sông'
02/10/2017 20:18:05
Xóm Phao, bãi giữa sông Hồng là nơi cư ngụ của 27 hộ dân, trong đó có 32 đứa trẻ. Ở nơi đây, trăng vẫn tròn nhưng trung thu thì khuyết...

Chúng tôi tìm đến xóm Phao, bãi giữa sông Hồng khi không khí Trung thu đã tràn ngập từng con phố nhỏ, ngõ nhỏ của Hà Nội. Xóm Phao có 27 hộ dân đều là những người lang thang, cơ nhỡ dạt về bãi giữa sông Hồng.

Những người dân xóm ngụ cư có sức khỏe, hàng ngày ra chợ ngồi, ai thuê gì làm nấy. Phụ nữ thì lên cầu bán hàng nước. Những cụ từ 50 tuổi trở lên chỉ có một nghề duy nhất là nhặt rác. Đêm đêm, họ lang thang khắp thành phố Hà Nội nhặt chai lọ, giấy vụn để bán, đến sáng mới trở về căn lều để nghỉ ngơi.

Hai chị em Dương háo hức chờ đợi đến giờ phá cỗ Trung thu

Căn nhà nhỏ dựng bằng gỗ ven sông vốn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đăng Được – xóm trưởng xóm ngụ cư. Nhưng sau đó, ông nhường lại làm nhà văn hóa và lớp học xóa mù chữ cho đám trẻ tại đây. Mọi ngày căn nhà vắng lặng nhưng hôm nay rộn ràng tiếng nói cười.

Những người phụ nữ da đen nhẻm quây quần chuẩn bị cỗ Trung thu cho đám trẻ trong xóm. Chị M., một người dân xóm Phao chia sẻ: “Chúng tôi ở đây không có đất, trôi nổi trên sông, quanh năm đi làm thuê làm mướn, rau cháo qua ngày. Người ta trên phố đón Trung thu linh đình chứ ở đây chỉ có ít bánh trái liên hoan cho các cháu đỡ tủi thân thôi”.

Ông Nguyễn Đăng Được, xóm trưởng xóm Phao tâm sự: “Mỗi hộ góp mười, hai mươi nghìn để tổ chức một bữa liên hoan nho nhỏ cho bọn trẻ. Nhà ai có gì thì góp thêm vào đấy. Chứ chúng tôi không đủ điều kiện để mua cho chúng nó đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ hay đồ chơi”.

Ông Được chia sẻ thêm, xóm ngụ cư có 32 cháu nhỏ chủ yếu là học sinh tiểu học và trung học. Lớn lên từ bùn đất ven sông, chúng đều ý thức được hoàn cảnh nên chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn nghe lời người lớn.

Tuổi thơ cơ cực của những đứa trẻ bãi giữa sông Hồng

Chúng tôi không khỏi nao lòng khi nhìn những đứa trẻ lấm lem ăn ngấu nghiến. Chỉ cách đó hơn 1 km, Trung thu là ánh đèn lung linh, là âm nhạc rộn ràng, là bạt ngàn đồ chơi, là quần áo rực rỡ, là tiệc cỗ linh đình thì ở đây Trung thu của những đứa trẻ xóm ngụ cư thu nhỏ chỉ bằng một chiếc bàn gỗ ọp ẹp kê trên nền đất mấp mô bày mấy đĩa hoa quả, dăm ba gói bim bim và chai nước ngọt.

Nhưng điều khiến chúng tôi xúc động nhất là tình người nơi đây. Họ nhường nhịn nhau từng bộ quần áo cũ được từ thiện. Ai vắng mặt là họ gõ cửa gọi từng nhà, họ niềm nở mời chúng tôi cùng một đoàn du khách Hồng Kông, dẫu chẳng đủ ghế ngồi, chẳng đủ bánh trái nhưng “mỗi người một miếng, vui là chính”, bà xóm phó xóm ngụ cư cười xòa. Chốc chốc lại có người vội vã chạy đến nhà văn hóa đem theo cái bánh trung thu, nải chuối chín hay lốc nước ngọt góp vào bữa cỗ Trung thu cho đám trẻ xóm nghèo.

Mâm cỗ Trung thu nhỏ nhưng ấm áp của trẻ em xóm ngụ cư

Em Dương (5 tuổi) khoe với chúng tôi: “Trung thu năm ngoái, cháu được bố đưa lên phố ngắm đèn lồng. Chỉ được xem thôi vì bố không có tiền mua”.

“Còn cháu đi bán ngô với mẹ trên cầu Long Biên. Hôm ấy đông người đi chơi Trung thu lắm. Cháu cũng muốn đi chơi nhưng mẹ bảo đợi cháu lớn lên rồi dẫn mẹ đi chơi”, em Nam (8 tuổi) kể.

Cô bé Lan (12 tuổi) hào hứng kể về một đêm Trung thu với rước đèn, múa lân, ca hát văn nghệ. Nhưng mấy năm nay xóm Phao không còn một Trung thu như thế nữa.

Khi được hỏi về ước mơ Trung thu, em Bắc (9 tuổi) hào hứng: “Cháu muốn học thật giỏi, lớn lên làm thật nhiều tiền để mua căn nhà 3 tầng trong phố. Tầng 1 tiếp khách, tầng 2 cho bố mẹ, tầng 3 cho cháu”.

Em My (10 tuổi) xúc động: “Cháu mơ một ngày mẹ sẽ về nhà với bố con cháu. Mẹ đi nước ngoài từ lúc cháu mới lên lớp 1. Bố bảo mẹ chê bố con cháu nghèo nên lấy chồng khác rồi nhưng cháu không tin”.

Còn cậu bé Hải (6 tuổi) thì chỉ mơ ước nhỏ nhoi là Trung thu sang năm em sẽ có đèn lồng, được ăn bánh trung thu.

Chia tay xóm ngụ cư, nơi mà trăng tròn nhưng trung thu thì khuyết, chúng tôi lòng thầm mong những ước mơ của đám trẻ ở đây sẽ thành hiện thực.

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến