Dòng sự kiện:
Những hệ lụy tiềm năng từ quyết định mở kho dự trữ dầu của Mỹ
26/11/2021 08:09:04
Chủ tịch công ty tư vấn Comarus Analytics cho biết điều đáng quan ngại là các chính phủ tương lai sử dụng chính sách này làm tiền lệ cho các đợt mở kho dự trữ nhằm kiểm soát giá trong tương lai.

Các bể trữ dầu của Công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khai thác Kho dự trữ dầu khẩn cấp quốc gia đánh dấu lần đầu tiên trong hai thập kỷ, một Tổng thống Mỹ chọn sử dụng nguồn dự trữ này để điều chỉnh giá năng lượng thay vì giải quyết sự gián đoạn nguồn cung.

Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra khá thận trọng về quyết định này cùng những tác động tiềm năng của nó.

Nỗ lực quy mô lớn nhưng chưa đủ

Hôm thứ Ba, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ “giải phóng” 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) với sự phối hợp cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh, để cố gắng hạ nhiệt giá dầu vốn đã đạt mức cao nhất trong bảy năm.

Đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái phối hợp như vậy với một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới ở châu Á, nằm ngoài sự bảo trợ của tổ chức giám sát năng lượng của phương Tây là Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Thông báo này được đưa ra khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối, còn gọi là OPEC+, “lờ đi” lời kêu gọi gia tăng nguồn cung của Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ xuất kho 50 triệu thùng dầu, tương đương nhu cầu của Mỹ trong hai ngày rưỡi. Ấn Độ dự kiến sẽ tung ra 5 triệu thùng, còn Anh cho phép giải phóng 1,5 triệu thùng từ các nguồn dự trữ tư nhân. Thông tin chi tiết về số lượng và thời gian xuất kho dầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc không được công bố.

Ông Bob Yawger, Giám đốc phục trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại công ty giao dịch chứng khoán Mizuho Securities nhận định nỗ lực trên hiện khó có thể tạo tác động lớn đến thị trường. Vì phía Mỹ đã cấu trúc đa số phần đóng góp của mình dưới dạng một khoản vay thay vì bán toàn bộ, và các đối tác quốc tế của họ đang đóng góp khối lượng khiêm tốn.

Kết hợp lại, tổng lượng dầu được giải phóng sẽ chỉ tương đương lượng tiêu thụ chưa đến một ngày trên toàn cầu. Và đối với phần đóng góp của Mỹ, các quan chức cho biết khoảng 32 triệu thùng sẽ được đưa ra theo diện trao đổi-có nghĩa các công ty mua dầu từ nguồn này phải trả lại lượng dầu tương ứng cộng với phần lãi suất trong từ một đến ba năm tới. Phần còn lại là tăng tốc bán ra 18 triệu thùng đã được Quốc hội thông qua từ trước để gây quỹ cho ngân sách.

Tạo thêm những rủi ro mới

Theo giới quan sát, quyết định của Tổng thống Biden có thể làm tăng thêm rủi ro mới đối với các nhà giao dịch dầu mỏ - những người đang tìm cách theo dõi các quyết định chính sách của chính phủ có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường.

Đối với ngành công nghiệp khoan dầu, các doanh nghiệp cũng có thể coi quyết định trên là tín hiệu cho thấy chính phủ các nước tiêu thụ xem mức giá khoảng 80 USD/thùng là mức trần cho thị trường. Điều đó có thể ảnh hưởng đến đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, vì lợi nhuận tiềm năng từ đầu tư vào ngành dầu mỏ trong tương lai sẽ bị giới hạn.

Ông Benjamin Salisbury, nhà phân tích chính sách năng lượng tại công ty tư vấn tài chính Height Capital Markets đánh giá hậu quả của quyết định này có thể nhỏ, nhưng sức lan tỏa sẽ rất lớn.

Quyết định sẽ thay đổi cách những người tham gia thị trường năng lượng đánh giá về các yếu tố không chắc chắn trong tương lai, cũng như cân nhắc lại việc đầu tư vào các dự án mới, cho dù đó là khoan giếng, dịch vụ trên mỏ dầu hay đường ống. Theo ông Salisbury, quyết định của Tổng thống Mỹ mở cửa cho những rủi ro mới cho thị trường.

Bên cạnh đó, OPEC+ sẽ phản ứng như thế nào cũng là một yếu tố có thể gây bất ổn cho thị trường.

Hiện các nguồn tin cho hay các Bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ không cân nhắc tăng sản lượng tại cuộc họp hàng tháng tổ chức vào ngày 2/12 tới.

Tuy nhiên, nếu nỗ lực phối hợp trên thực sự có thể đẩy giá dầu xuống dưới mức thấp của bảy tuần là 78,89 USD/thùng ghi nhận hồi tuần trước, OPEC+ vẫn có thể cân nhắc hành động.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư RBC cho biết về cơ bản OPEC+ nhiều khả năng vẫn giữ nguyên quyết định tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày tại cuộc họp tuần tới.

Kho dự trữ dầu chiến lược tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng họ không loại trừ hoàn toàn khả năng Saudi Arabia kêu gọi thu hẹp lại mức tăng sản lượng để đáp lại với nỗ lực phối hợp mở kho dự trữ của các nước tiêu thụ dầu lớn.

Dù vậy, một số quốc gia vùng Vịnh có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ sẽ phản đối hành động như vậy vì lo ngại phản ứng chính trị từ nước này.

Tiền lệ khó lặp lại

Mặc dù quyết định sử dụng kho dự trữ để giảm giá dầu của Tổng thống Biden là bất thường, điều này không phải là chưa từng xảy ra. Cựu Tổng thống Bill Clinton đã giải phóng 30 triệu thùng từ SPR vào năm 2000 như một phần của nỗ lực giảm chi phí sưởi ấm trong nhà trước khi mùa Đông tới dù không có sự gián đoạn nguồn cung nào xảy ra khi đó.

Phía Nhà Trắng cũng lập luận rằng việc mở kho là hợp lý vì những ảnh hưởng bất thường của đại dịch COVID-19, khiến nguồn cung dầu không theo kịp nhu cầu của nền kinh tế đang phục hồi.

Tuy nhiên, quyết định của ông Biden có thể tạo ra một tiền lệ mà chính đương kim Tổng thống Mỹ và những người kế nhiệm khó có thể lặp lại vào những thời điểm giá dầu tăng lên mức mà các nhà nhập khẩu lớn khó chấp nhận.

Ông Tristan Abbey, Chủ tịch công ty tư vấn Comarus Analytics và từng phụ trách vấn đề năng lượng tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, điều đáng quan ngại là các chính phủ tương lai sử dụng chính sách này làm tiền lệ cho các đợt mở kho dự trữ nhằm kiểm soát giá trong tương lai.

SPR thường được sử dụng để đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho thị trường sau những gián đoạn, chẳng hạn như đường ống hoặc mỏ dầu bị hư hại do bão, hoặc tình trạng chiến tranh khiến một nhà cung cấp lớn phải ngừng sản xuất đột ngột. Hiện thị trường không xảy ra bất cứ sự gián đoạn nào như vậy.

Bà Sarah Emerson, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường Energy Security Analysis Inc cho biết nỗ lực mang tính quốc tế này có thể mang lại lợi ích cho Mỹ về nhiều khía cạnh. Chắc chắn là Tổng thống Mỹ không muốn trải qua một năm bầu cử với lạm phát tăng cao.

Nhưng chuyên gia này nói thêm rằng đây không phải là một chính sách tuyệt vời vì công cụ này được sử dụng để đổi phó với tình trạng gián đoạn thị trường thay vì điều tiết giá.

Tác giả: H.Thủy

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến