Dòng sự kiện:
Những hiện vật kể chuyện văn hóa soi đường quốc dân đi
10/06/2018 08:24:31
Triển lãm Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954) nhân kỷ niệm 75 năm Đề cương văn hóa Việt Nam kể lại câu chuyện văn hóa đã soi đường quốc dân đi như thế nào trong những năm chống Pháp.

Bàn đá in bài hát Hò kéo pháo vào trận địa của nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh: Ngữ Thiên

Giải phóng trí tuệ và văn hóa

Bức thư họa sĩ Tô Ngọc Vân, Giám đốc Trường Mỹ thuật, gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17.1.1952 đã mờ đến mức màu mực chỉ còn nâu nâu trên nền giấy vàng úa. Tuy nhiên, những dòng chữ cuối thư “anh em chúng tôi học tập tiến bộ trong công tác hội họa của mình để tích cực phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến” vẫn còn đọc được. Trường Mỹ thuật do ông Vân làm hiệu trưởng khi đó chính là cái nôi của các họa sĩ kháng chiến sau này. Thậm chí, lớp đào tạo họa sĩ hoàn toàn trên chiến khu này còn được nhiều nhà nghiên cứu gọi là lớp họa sĩ khóa kháng chiến. Theo nhà nghiên cứu Đào Mai Trang, khi đó các họa sĩ mau chóng hòa vào dòng chảy mới, tham gia vẽ tranh cổ động cách mạng, ghi lại đời sống nhân dân…

Bức thư chỉ là một trong 100 hiện vật của triển lãm Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954) nhân kỷ niệm 75 năm Đề cương văn hóa VN. Đề cương văn hóa VN do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo, được coi là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng.

Tại triển lãm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) cũng giới thiệu trang văn xuôi nói về vấn đề văn hóa của tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 5 điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc, gồm: “Xây dựng tâm lý, lý tưởng, tinh thần độc lập tự cường. Xây dựng luân lý, biết hy sinh mình, làm lợi cho mọi người. Xây dựng xã hội, mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của loài người trong xã hội. Xây dựng chính trị, dân quyền. Xây dựng kinh tế”.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), nội dung này trùng hợp với Đề cương về văn hóa VN do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo. “Hai sự kiện cùng một thời gian tuy địa điểm và hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung một cội nguồn, một tư tưởng”, thông tin của bảo tàng cho biết.

Tranh cổ động phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm

Nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến

Có nhiều hiện vật khác ghi lại quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến trong triển lãm. Chẳng hạn, có nhiều hiện vật sách của nhà văn hiện thực Nam Cao như Chuyện biên giới (1951), Đóng góp (1951) và Đôi mắt (1954). Trong số này, truyện Đôi mắt được đưa vào giới thiệu trong chương trình phổ thông. Tác phẩm ẩn chứa sự khơi gợi cách nhìn về đời sống rộng mở, lạc quan trong kháng chiến. Chủ nghĩa xê dịch của nhà văn Nguyễn Tuân cũng được “thử lửa kháng chiến” và thể hiện thành cuốn sách Tình chiến dịch (1950). Cuốn sách ghi lại câu chuyện về những con người tham gia trong chiến dịch Tây Bắc… Chiến dịch này cũng là đề tài được nhiều nhà văn khai thác và có sách trưng bày trong triển lãm như: Truyện Tây Bắc (1954) của nhà văn Tô Hoài, Những mẩu chuyện chiến thắng Tây Bắc (1952) của các tác giả Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Kim Lân...

Với âm nhạc, các nhạc sĩ cũng có nhiều tác phẩm hết lòng vì kháng chiến. Trong triển lãm, vì thế có hiện vật bàn đá in bài hát Hò kéo pháo vào trận địa của tác giả Hoàng Vân; bàn đá in bài hát Quân dân bảo vệ đường chiến thắng của tác giả Trọng Lanh. Bản nhạc Làng tôi, Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao do NXB Văn nghệ in năm 1954 cũng được trưng bày.

Nhiều hiện vật tranh cổ động, gắn liền với các phong trào kháng chiến cũng xuất hiện trong triển lãm. Đó là tranh cổ động phong trào Mùa đông binh sĩ, tranh cổ động giáo dục cho nhân dân tinh thần cương quyết giữ vững Việt Bắc, tranh cổ động nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, hưởng ứng chiến dịch mùa xuân 1951…

Những hiện vật trong triển lãm đã cùng nhau kể câu chuyện văn hóa nghệ thuật thời kỳ kháng chiến. Những câu chuyện này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 1, năm 1946 tại Hà Nội: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Triển lãm diễn ra từ ngày 8.6 đến hết tháng 9, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Những hiện vật đã cho thấy định hướng về văn hóa, con đường mà các nghệ sĩ đã đi qua trong thời kỳ 1945 - 1954.

Theo Thanh Niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến