Dòng sự kiện:
Những lá đơn thoát nghèo ở Mường Lát: Câu chuyện về sự vươn lên từ gian khó
05/04/2025 16:20:14
Hơn 100 hộ dân ở huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo là một câu chuyện xúc động về hành trình giảm nghèo ở vùng đất khó.

Bỏ tư tưởng ỷ lại, tự lực thoát nghèo

Mường Lát – huyện vùng biên xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, từ lâu được biết đến là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Trong 2 năm qua, nơi đây đã chứng kiến một cuộc “kỳ tích” khi hơn 100 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, thể hiện ý chí vươn lên, thoát khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân.

Sáng sớm, mây còn bảng lảng phủ kín những rẻo núi ở bản Suối Tút (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát), anh Tặng Văn Sinh (SN 1989) lom khom cắt tỉa từng nhánh cam, đôi bàn tay chai sần thoăn thoắt như đã quen với nắng gió vùng biên. Giữa đất trời lộng gió, dáng người gầy nhưng rắn rỏi ấy như đang tạc vào đá một điều gì rất thật – rằng anh đã không còn nghèo.

Bản Suối Tút đang ngày càng đổi thay nhờ tinh thần vươn lên của người dân

Anh Sinh từng là một trong những hộ nghèo “bền vững” của bản. Nhà đông con, ruộng nương thì ít, quanh năm làm quần quật mà cái ăn vẫn chật vật. Có lúc, anh nghĩ đến chuyện bỏ quê vào Nam làm thuê, nhưng rồi quyết định ở lại, xoay xở từ vài gốc cam, vài con bò và số tiền vay ngân hàng chính sách. “Tôi hiểu một điều, chỉ có mình mới cứu được mình. Trông chờ mãi vào hỗ trợ thì bao giờ mới khá lên được?”, anh tâm sự.

Ông Tặng Văn Lai, trưởng bản Suối Tút cho biết, bà con trong bản có khát vọng chủ động vươn lên thoát nghèo

Những lá đơn xin thoát nghèo

Đầu năm 2024, khi thu nhập gia đình đã ổn định gần 200 triệu đồng/năm, anh Sinh là người đầu tiên của bản mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo. Lá đơn ấy, không phải để "mất quyền lợi", mà là để "lấy lại lòng tự trọng", như cách anh nói với bà con trong buổi họp bản. Không dừng lại ở đó, anh còn kiên trì thuyết phục 8 hộ khác cùng viết đơn, mở đầu cho một làn sóng tự nguyện thoát nghèo hiếm thấy ở vùng đất từng được xem là nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa.

Trong số đó có gia đình bà Tặng Thị Chuộng (50 tuổi), một hộ người Dao cũng quyết định rời khỏi diện hộ nghèo. “Hỗ trợ thì ai cũng cần, nhưng gia đình tôi giờ không còn thiếu đói. Vậy tại sao không nhường lại cho những hộ khó khăn hơn?” – bà Chuộng chia sẻ.

Chuyện của những con người dám thay đổi

Ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý – nơi giao thông còn khó khăn, ông Thào A Thái (50 tuổi), người Mông, là người đầu tiên viết đơn xin thoát nghèo. Ông kể, ngày trước quanh năm làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, chẳng mấy khi đủ ăn. Nhưng rồi, ông quyết định vay vốn ngân hàng, mua trâu bò về nuôi thả rừng, đào ao thả cá, mở rộng đất canh tác. “Làm trưởng bản, là đảng viên thì phải gương mẫu. Tôi muốn bà con thấy rằng không thể cứ dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ mãi được” – ông Thái nói.

Quá trình vươn lên của ông Thái không hề dễ dàng. Những ngày đầu nuôi bò, đàn bò bị bệnh chết gần nửa, khiến gia đình lao đao. Nhưng ông không nản chí, lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm, thay đổi cách chăm sóc và tiếp tục tái đàn. Nhờ đó, đến nay ông đã có hơn 20 con bò, cùng vườn cây ăn quả xanh tốt. Không những vậy, ông còn hướng dẫn bà con trong bản áp dụng mô hình nuôi thả rừng, giúp nhiều hộ khác từng bước thoát nghèo.

Những bản làng vùng biên đang dần khoác lên diện mạo mới

Không chỉ những người lớn tuổi, lớp trẻ ở Mường Lát cũng đang thay đổi tư duy về cái nghèo. Anh Sùng A Chai (29 tuổi) là một trong số ít người ở bản Tà Cóm được học đại học. Ra trường, anh không chọn ở lại thành phố mà quay về quê làm giáo viên. Tiền lương ít ỏi, nhưng anh và vợ vẫn dành dụm để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Ban đầu, anh trồng rau màu trên đất dốc nhưng thu nhập không cao. Sau nhiều lần thất bại, anh chuyển sang trồng cây ăn quả và nuôi lợn rừng. Dần dần, kinh tế gia đình khá lên, họ không chỉ thoát nghèo mà còn sắp dựng được một ngôi nhà gỗ khang trang.

Từ thay đổi nhận thức đến sự chuyển mình của một vùng quê

Những câu chuyện như của anh Sinh, bà Chuộng, ông Thái, anh Chai không còn là hiếm ở Mường Lát. Theo ông Trịnh Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện, từ năm 2023 đến nay, hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, chủ yếu ở các xã Quang Chiểu, Mường Chanh. Đây là kết quả của những nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức về cái nghèo.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, huyện Mường Lát đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, khuyến khích con em đi học nghề. Giờ đây, hơn 200 lao động của huyện đã đi làm ăn xa, trên 90% gia đình có tivi, xe máy, tủ lạnh. Xã Mường Chanh thậm chí đã đạt chuẩn nông thôn mới – điều mà trước đây ít ai dám nghĩ đến.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định xóa nghèo không chỉ là hỗ trợ về kinh tế mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy. Khi bà con hiểu rằng chỉ có lao động mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, thì lúc đó, công cuộc giảm nghèo mới thực sự bền vững.”

Những lá đơn thoát nghèo ở Mường Lát không chỉ là minh chứng cho sự thay đổi trong nhận thức của người dân mà còn là tín hiệu đáng mừng cho một huyện vùng biên đang từng ngày chuyển mình, tiến gần hơn đến một tương lai ấm no, đủ đầy.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến