Dòng sự kiện:
Những mối lo không nhỏ cho lạm phát
13/03/2019 12:01:03
Nhìn lại diễn biến 2 tháng đầu năm, xu hướng chủ đạo của nền kinh tế vẫn ổn định và khả quan. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số dấu hiệu đáng quan ngại, đặc biệt đối với lạm phát khi giá điện được dự kiến sẽ tăng.

Không vội quan ngại?

Bên cạnh nhiều tín hiệu tích cực và số liệu khả quan về kinh tế hai tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố, một số chỉ số kinh tế cho thấy dấu hiệu tăng chậm lại hoặc sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện… cũng là những thách thức ngắn hạn cần giải quyết.

Giá điện dự kiến tăng 8,36% ngay trong tháng ba.  Ảnh minh họa

Đặc biệt, việc Bộ Công thương dự kiến tăng giá điện vào cuối tháng này (với mức tăng 8,36%) ngoài những tác động trực tiếp tới tăng trưởng GDP và lạm phát đã được tính toán thì những tác động gián tiếp, có tính lan truyền đến giá cả hàng hóa khác cũng không thể loại trừ.

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã nêu những quan ngại này với TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính. Và vị chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế mới qua 2 tháng, trong đó lại có dịp nghỉ Tết dài rơi vào tháng 2 nữa nên rất khó dự đoán.

“Tất nhiên chúng ta bắt đầu thấy có những tín hiệu không tích cực, nhưng việc chỉ dựa vào diễn biến 2 tháng – với tính mùa vụ rất cao do có Tết – để vội đưa ra những dự báo thì chưa có cơ sở. Theo tôi, chúng ta cần đợi kết quả của quý I trước khi có thể có những nhận định chính xác hơn về xu hướng năm nay”, TS. Nguyễn Đức Độ nói, nhưng nhận định thêm rằng, riêng về lạm phát thì hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu đặt ra, ngay cả khi Bộ Công thương mới đây đã thông tin về kế hoạch tăng giá điện trong tháng 3 với những tính toán tác động trực tiếp tới CPI năm nay.

Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam vừa phát hành cũng nhận định, “nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến lạm phát không lớn vì nguồn cung vẫn đang gia tăng trong khi dịch bệnh có thể kiểm soát và giá lợn tại Trung Quốc đang trong xu hướng giảm”. Báo cáo này dẫn ra số liệu về tình hình chăn nuôi của năm 2019 khởi đầu một cách thuận lợi với việc đàn lợn tăng 3% và gia cầm tăng 6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4%  trong khi cùng kỳ giảm 1,1%.

Nhưng không thể chủ quan

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, với những diễn biến đến thời điểm hết 2 tháng đầu năm thì cần hết sức lưu ý với khả năng tăng trưởng có thể thấp hơn trong khi lạm phát có thể cao hơn so với năm ngoái. Một trong những quan ngại được TS. Lực chỉ ra là áp lực lạm phát lớn hơn.

Cụ thể, trong khi áp lực lạm phát từ các yếu tố bên ngoài nhiều khả năng giảm đi (đặc biệt là dự báo giá đầu năm nay ở mức thấp hơn và giá các hàng hóa cơ bản khác cũng ổn định) thì áp lực từ trong nước lại tăng lên. Như lạm phát tháng 2 đã tăng mạnh và thêm vào đó là khả năng tăng giá điện vào cuối tháng 3 này.

“Dù Bộ Công thương đã tính toán những con số cụ thể về tác động trực tiếp của việc tăng giá điện tới mức tăng thêm của CPI nhưng chúng ta chưa tính được những tác động gián tiếp, lan tỏa đến giá cả các hàng hóa khác cũng như yếu tố tâm lý (lạm phát kỳ vọng). Cho nên, rõ ràng áp lực lạm phát từ trong nước năm nay lớn hơn năm ngoái”, TS. Lực nói.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cũng dự báo, việc điều chỉnh giá điện vào cuối tháng này sẽ tác động đáng kể đến lạm phát trong những tháng tiếp theo.

Cùng các quan điểm trên, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng: “Tâm lý chung của người dân và nền kinh tế thì không muốn giá điện tăng. Nhưng điện là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng trong đời sống và trong sản xuất nên nếu giá thành không đảm bảo đủ bù đắp sẽ dẫn đến đủ nguồn điện cung cấp không đủ. Do đó, điều quan trọng nhất là phải tính toán xem mức tăng bao nhiêu là hợp lý và muốn biết hợp lý chưa thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra, thẩm tra trên cơ sở tính toán các chi phí đầu vào của điện tăng có đúng không, cộng với các căn cứ khác để xác định giá điện mới đã phù hợp chưa”.

Chuyên gia này cũng cho biết, ngoài tác động trực tiếp thì lo ngại các tác động gián tiếp đến tâm lý và giá cả các hàng hóa khác cũng là tất yếu. “Với những diễn biến tăng của lạm phát 2 tháng qua và nhất là với các yếu tố nổi lên hiện nay như dự kiến tăng giá điện và dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát thì việc giữ được mục tiêu lạm phát ở mức 4% trong năm nay là một thách thức không hề nhỏ”, PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định.

Về dịch tả lợn đang bùng phát hiện nay, mối lo nổi lên là người nuôi sẽ không tái đàn và giá thịt lợn sẽ tăng mạnh sau khi hết dịch. “Thịt lợn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm này lại chiếm tỷ trọng tới 36-37% trong CPI. Nên nếu giá thịt lợn tăng trong tương lai thì nó sẽ tác động tới CPI”, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích. Cùng quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại, nếu không quyết liệt ngăn chặn, dịch tả lợn còn tiếp tục lan sang các tỉnh thành khác và khi còn dịch thì người nuôi sẽ không tái đàn, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong tương lai.

Do đó, theo các chuyên gia, cách tốt nhất là phải tập trung mọi nguồn lực chặn đứng dịch bệnh lây lan, sớm khống chế và dập dịch thành công để người tiêu dùng yên tâm và người nuôi cũng sớm có kế hoạch tái đàn.

Ở góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, vấn đề đặt ra là phải rất khéo điều hành trong năm nay. “Giải pháp vẫn phải là phối hợp, “chia lửa” tốt hơn nữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách giá cả. Ví dụ khi áp lực lạm phát trong nước tăng hơn như vậy thì vấn đề cung tiền, đặc biệt là tín dụng cần đảm bảo không quá nóng”, TS. Lực nói.

Để giữ lạm phát trong vòng mục tiêu đặt ra, bên cạnh việc đảm bảo được đồng tiền ổn định, lượng cung ứng tiền phù hợp, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, vai trò của chính sách tài khóa và điều hành giá cả cũng rất quan trọng. “Để giảm thiểu các động đến tâm lý và tác động dây truyền, vai trò của các cơ quan chức năng trong lúc này là phải làm sao hạn chế được nguy cơ “tát nước theo mưa”, lợi dụng tình hình hiện nay để đẩy giá các hàng hóa khác.

Với các mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý, sau khi giá điện đã điều chỉnh thì việc điều chỉnh giá các dịch vụ, hàng hóa khác cần tính toán phù hợp với biến động của lạm phát, tránh tình trạng cộng hưởng khiến lạm phát có thể tăng đột biến”, PGS.TS. Ngô Trí Long cảnh báo.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến