Những người đóng vai 'lớn' là ai?
25/11/2014 10:48:41
ANTT.VN – Liên tiếp trong thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá, bóc gỡ được một số vụ án có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng lưu ý, các đối tượng này rất nhiều mánh khóe, “mượn” chức danh lớn, làm giả giấy tờ, con dấu để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tin liên quan

Giả chữ ký Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế

Ngày 20/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp Vương Thúy Nga (39 tuổi) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng khai nhận, trước đó, vào tháng 12/2013, Hạnh làm quen với ông Đoàn Văn T. ,mặc dù không có nghề nghiệp gì nhưng Hạnh vẫn tự nhận là nhân viên Bệnh viện Phụ sản TW, có khả năng "chạy" xin việc làm cho nhiều người tại các bệnh viện Hà Nội. Hạnh đã nhờ Nga đóng giả nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản TW và giả làm nhân viên Sở Nội vụ Hà Nội để gặp gỡ, hứa hẹn xin việc làm cho một số người có nhu cầu... Mỗi lần "vào vai" như vậy, Nga được nhận từ Hạnh 200.000 đồng. Nga còn được Hạnh hướng dẫn cho những người xin việc ký khống vào phiếu trả lời câu hỏi dự thi công chức và thu tiền của mỗi người 500.000 đồng.

Đối tượng Hạnh và Nga tại cơ quan điều tra

Bên cạnh đó, đối tượng Nga còn thuê người giả mạo các ông Nguyễn Việt Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW và thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để gọi điện thoại, nhắn tin cho người có nhu cầu xin việc làm tại các bệnh viện, cơ quan hứa hẹn xin cho để nhận tiền "chạy" việc. Ông T. đã  tin tưởng nên đã giao cho Hạnh 3,1 tỷ đồng và 21 hồ sơ xin việc.

Phi vụ lừa đảo 100 tỷ đồng của Trần Ngọc Quyết và Phan Ngọc Thực còn thực hiện tinh vi hơn. Các đối tượng làm rất nhiều giấy tờ giả như: Giấy chứng nhận cán bộ quản lý dự án, Hồ sơ tài liệu về việc thành lập ban quản lý dự án An sinh xã hội, thậm chí các đối tượng còn làm giả các giấy tờ, con dấu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Các đối tượng giả mạo chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh ANTĐ)

Hai siêu lừa còn đi mua lại 4 chiếc xe ô tô BKS 80B để thuận tiện trong việc đi lại và dễ dàng tạo dựng lòng tin. Sau đó, hai “siêu lừa” này đến tìm các chủ đầu tư, Quyết giới thiệu là Trưởng ban dự án của Chính phủ, còn Thực là cán bộ dự án. Với chức năng, quyền hạn của một Trưởng ban dự án, Quyết có thẩm quyền phê duyệt dự án và trình Thủ tướng Chính phủ ký giải ngân nguồn vốn vay quốc tế (vốn ODA) hỗ trợ không hoàn lại.

Với hàng loạt các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ được làm giả… y như thật, cho đến khi bị bắt, hai đối tượng khai nhận đã lừa đảo gần 100 tỷ đồng của các bị hại.

Những người đóng vai “lớn” là ai?

Theo khai nhận, thì đối tượng Trần Ngọc Quyết (SN 1953) vốn làm nghề tự do nên luôn trong tình trạng túng thiếu nhưng đối tượng lại “sắm vai” Trưởng ban dự án của Chính phủ tương đối hoàn hảo. Đối tượng Lê Thị Bích Hạnh mặc dù không có nghề nghiệp gì nhưng vẫn tự nhận là nhân viên bệnh viện Phụ sản TW. Hầu hết, để thực hiện các phi vụ trót lọt, giấy tờ, con dấu giả đều là những thứ mà các đối tượng nghĩ tới và thực hiện. Nó được làm giả một cách rất tinh vi, với người bình thường, không có nhiều kiến thức thực sự khó có thể nghi ngờ là chúng không phải là thật.

Trưởng ban dự án "ảo" Trần Ngọc Quyết

Các đối tượng lừa đảo có thể tiếp cận trực tiếp, tìm người để lừa hoặc gián tiếp qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè, đồng nghiệp có quen biết với các đối tượng lừa đảo này. Hầu hết, các đối tượng lừa đảo này đều thực hiện với thủ đoạn “đánh trúng tâm lý” con người. Các đối tượng gieo, tạo niềm tin với “nguồn khách hàng” bằng cách cư xử đúng mực, có tri thức, “đội lốt” là những người có học thức, có địa vị trong xã hội, hay là những đại gia “kếch xù” nhà lầu – xe hơi, cán bộ cấp cao. Chưa dừng lại ở đó, để tạo niềm tin cho các bị hại, các đối tượng còn sắm “vai” những người có quyền lực, chức sắc thậm chí có quan hệ thân thiết để các bị hại tin rằng họ là những người có thế lực, quyền uy trong tay. Để đóng giả đúng như thật, các đối tượng còn trang bin cả ô tô biển xanh để phục vụ “công tác” xuống cơ sở gặp gỡ các chủ đầu tư.

Rất nhiều các vụ việc như giả danh để lo chạy việc được cơ quan công an điều tra, bóc gỡ, xong vẫn có nhiều người sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Một thực tế đang diễn ra trong nhiều gia đình, muốn con em mình được làm việc tại các cơ quan nhà nước. Tâm lý việc nhàn, lương cao đã khiến không ít người tự đem “trứng giao cho ác”.

Đây có thể coi là bài học cảnh tỉnh cho các gia đình, những người có nhu cầu xin việc làm và cả các chủ đầu tư, các nhà thầu trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường của các loại tội phạm.

Thu Thủy

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến