Dòng sự kiện:
Những người 'giữ lửa' cho văn hóa của người Thái xứ Thanh
27/02/2023 10:41:29
Cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo thông qua lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy.

 

Ngày 26/2, dân làng thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã tổ chức lễ hội Kin Chiêng Bọoc Mạy (Múa hát dưới cây bông).

 

Đây là lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc được lưu truyền từ xa xưa.

Lễ hội nhằm tái hiện lại một số các hoạt động trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thuở lập làng đến nay thông qua những tiết mục văn hóa-văn nghệ đậm đà bản sắc.

Thầy mo Lô Đình Ước (77 tuổi), người được xem là ‘người giữ lửa’ cho lễ hội Kin Chiêng Bọc Mạy của người Thái ở xã Xuân Phúc. Mo Ước chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm mo. Cha truyền con nối, đến nay đã là đời thứ 9, gia đình ông gìn giữ và lưu truyền lễ hội này để phát huy truyền thống của gia đình, của văn hóa Thái, cũng như một cách để ông giao cảm với thần linh. Mặc dù đã ở tuổi thất thập, nhưng mo Ước còn minh mẫn và dẻo dai, giọng khặp Thái của ông khi trầm khi bổng, lúc hào hùng, lúc da diết khiến người nghe nao lòng.

Lễ hội thể hiện tinh thần dân tộc Thái từ xa xưa đã xây dựng và gìn giữ, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp, đậm tính nhân văn, coi trọng tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc với nhau, tất cả được kết tinh trong “Kin Chiêng Boọc Mạy”. 

Kin Chiêng là lễ ăn tháng giêng, Boọc Mạy là cây Bông tượng trưng cho đất, trời, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, vạn vật sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái.

Lễ khai hội Kin Chiêng Boọc Mạy diễn ra với các nội dung, như: lễ đón thầy mo, lễ rước cây bông, lễ bắt lợn, lễ cúng đền Cấm, lễ dựng cây bông và chương trình nghệ thuật hát múa dưới cây bông, cúng thần linh, mường trời; đánh thức vua trời; cúng và đánh trống cơm; cúng cơm mới...

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động liên hoan ẩm thực, các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng.

Đây là một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo, lâu đời của cộng đồng người dân tộc Thái.

Xuất phát từ mục đích thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm và mong ước sự bình yên trong cuộc sống và biết ơn các đấng thần linh đã phù hộ cho dân làng làm ăn trong suốt cả năm. Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, người Thái ở thôn Rộc Răm thường tổ chức lễ hát múa để nhân dân bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất, mong muốn mưa thuận, gió hòa và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng

Dân làng múa hát dưới cây bông. Lễ tục này không chỉ có ý nghĩa quan trọng cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục và nhân văn cao cả. Hình thức nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong lễ tục đã thể hiện tính cộng đồng chặt chẽ, khát vọng tự do, bình đẳng của con người được sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của chính họ.

 

Những điệu múa tái hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Thể hiện ước mong cầu thần linh che chở một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

.

Điệu múa sạp - một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. 

Ném còn cũng được tái hiện trong lễ hội, một trò chơi dân gian lâu đời của người Thái.

Ai cũng muốn chạm vào cây bông, nhằm cầu mong may mắn, được thần linh phù hộ, che chở.

.

Các cô gái Thái xinh đẹp trong những điệu múa dưới cây bông

Sau lễ hội, dân làng thưởng thức rượu cần và giao lưu trong những điệu ca múa. Lễ hội thành công giúp người dân và chính quyền địa phương thêm tình đoàn kết, phấn khởi, tiếp thêm động lực để hướng tới những mục tiêu mới trong sản xuất, xây dựng quê hương.

Ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc cho biết: Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy được nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2018. Đây là niềm vinh dự cho đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc nói riêng và huyện Như Thanh nói chung. Lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng; vun đắp tình yêu thương giữa người với người, chia sẻ khó khăn, đùm bọc nhau trong cuộc sống, tạo nên sức mạnh đoàn kết, để đồng bào vượt lên gian khó, cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trước đây, lễ hội Kin Chiêng Bọc Mạy chỉ nằm trong khuôn khổ gia đình, làng bản, cứ đến dịp tháng Giêng, mo Ước lại tổ chức lễ hội để cúng bái thần linh, thu hút sự tham gia của dân bản. Từ năm 2018, sau khi lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mo Ước cũng được công nhận là nghệ nhân. Từ đó, lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền huyện Như Thanh.

Chính quyền địa phương cũng kỳ vọng, việc khôi phục và phát huy lễ hội này sẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở đây, khi dự án du lịch Bến En đi vào hoạt động.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến