Dòng sự kiện:
Những người thầy thầm lặng "thắp chữ" cho bon làng
20/11/2023 09:20:13
Do khó khăn, nhiều bà con ở các bon làng vùng sâu, vùng xa tỉnh Đắk Nông vẫn chưa biết chữ hoặc quên mặt chữ. Vượt qua tự ti và dành thời gian đi học để biết chữ là điều không dễ dàng với những người đã lớn tuổi.

Nhưng với những cống hiến thầm lặng của những thầy cô giáo bám bon, bám làng, nhiều học viên lớn tuổi đã tự tin đến lớp, và từng chữ viết đã được thắp sáng trong tâm trí mọi người, ứng dụng thiết thực vào đời sống.

7h30 tối, anh Đào Văn Giang, thôn 6, xã Quảng Tâm, huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, vội vã đến lớp học trong bộ đồ lao động còn lấm lem bùn đất. Là lớp trưởng của một trong hai lớp xoá mù chữ tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nguyễn Du, xã Quảng Tâm, dù bận, vội đến đâu anh cũng luôn đến lớp đúng giờ. Lớp có hơn 30 học viên, bình quân 40-50 tuổi, người cao tuổi nhất đã 71 tuổi, đều là bà con ở các thôn bon trong xã. Nay mùa màng bận rộn nhưng hầu hết mọi người đều cố gắng sắp xếp đến lớp học.

Mỗi tuần đều đặn 5 buổi những thầy cô "bám bon" đến lớp dạy cho những học viên U40, U50.

Sự khao khát biết cái chữ và sự nỗ lực, hy sinh thầm lặng của những thầy cô đứng lớp khiến những học sinh lớn tuổi như anh Giang càng thêm cố gắng đi học.

“Trước là mình ở vùng sâu, vùng xa thì không có điều kiện đi học. Giờ nhà nước mở lớp xoá mù chữ thì mình cố gắng đi học. Thầy giáo, cô giáo dạy rất là tốt, các học viên được học tập cũng không biết nói gì hơn, rất là cảm ơn các thầy cô giáo nhiệt tình dạy cho bọn mình. Bây giờ học cho mình thì mình phải cố gắng học”, anh Giang nói.

Đã hơn 40 tuổi mới biết đọc, biết viết khiến chị Thị Nương, dân tộc M’Nông, bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm rất vui. Chị Nương chia sẻ, thoát mù chữ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống, trước hết là chị sẽ tham gia lớp học bằng lái xe máy để đi xe ra đường cho đúng luật. Biết chữ cũng giúp chị nghĩ đến việc tới đây thử nghiệm đăng bán sản phẩm hạt mắc ca của nhà trồng thông qua mạng xã hội trên điện thoại thông minh. Chị cho biết, lớp học xoá mù chữ mở ra hoàn toàn miễn phí, sách vở, đồ dùng học tập cũng được thầy cô cấp không.

Cảm động tấm lòng của thầy cô giáo lặn lội đêm hôm, đường sá khó khăn đến lớp để dạy chữ cho bà con, gần 3 tháng tham gia tham gia lớp xoá mù chữ, chị Nương tham đầy đủ tất cả các buổi học: “Được đi học thế này tôi rất vui. Tôi cũng đang cố gắng học cho tốt, làm sao để biết đọc, biết viết. Đường sá khó khăn nhưng thầy cô rất nhiệt tình đi dạy học, mình rất là thương thầy cô. Đi học rồi tôi cũng biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc tất cả các thầy cô nhiều sức khoẻ”.

Mẹ mang theo con nhỏ đến lớp học xoá mù chữ buổi tối.

Thầy giáo Hoàng Văn Trường, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nguyễn Du, xã vùng 3 Quảng Tâm đã dạy tiểu học ở huyện biên giới vùng sâu, vùng xa Tuy Đức từ những năm 1990. Theo thầy Trường, trước đây, do điều kiện còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở, nhiều người ở sâu trong rừng, không được học hành dẫn đến bị mù chữ, nhiều người thiếu tự tin khi tiếp xúc. Gần đây, khi điều kiện kinh tế gia đình đã cơ bản ổn định, xã hội ngày càng phát triển, nhiều bà con khát khao biết con chữ. Cũng vì thế, khi nhà trường, thầy cô giáo đến bon làng vận động, nhiều người đã hăng hái đăng ký đi học.

Thầy Trường cho biết, dạy học cho những người lớn tuổi không giống với dạy trẻ em, yêu cầu giáo viên có sự gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ cả trong việc học và trong cuộc sống để bà con tự tin, vui vẻ đến lớp tiếp thu con chữ: “Trước hết là phải hiểu được tâm lý của những người theo học lớp xoá mù, ngoài việc học ra họ còn đi làm. Nhận thức họ chậm hơn, tay chân họ cũng cứng hơn, chính vì vậy đòi hỏi giáo viên phải nhiệt tình, tâm huyết. Ngoài nhiệt tình, tâm huyết trong chuyên môn ra thì có tình cảm đặc biệt, gần gũi với họ, chia sẻ với họ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nguyễn Du chia sẻ, nhà cô cũng ở trong bon, có điều kiện gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh của bà con. Điều này rất thuận lợi để cô vận động bà con, nhất là phụ nữ đi học. Lớp học xoá mù chữ mà cô Phượng đang dạy hiện nay hầu hết là phụ nữ. Những lúc rảnh rỗi, ngày nghỉ cuối tuần, học viên cũng có thể tranh thủ đến nhà cô để ôn bài. Chính vì vậy, nhiều người tiến bộ rất nhanh. Và khi thấy những học viên U40, U50 biết đọc, biết viết, có thể sử dụng điện thoại thông minh nhắn tin, xem tin tức, ứng dụng thiết thực vào cuộc sống, người làm nghề giáo như cô rất vui. Đây cũng là động lực để dù lặn lội đêm hôm đi dạy không có lương, nhưng cô giáo “bám bon” vẫn rất vui vẻ, nhiệt tình, mỗi tuần đều đặn 5 buổi đến lớp dạy chữ cho bà con.

“Mang con chữ về xóm làng của mình, giúp những người chưa biết chữ mở mang kiến thức, và khi mà mọi người biết chữ thì tôi cảm thấy rất vui. Đó cũng là động lực để anh em cố gắng dạy cho tốt”, cô Phượng chia sẻ.

Bà Vương Thị Thu Trúc, Trưởng phòng giáo dục thường xuyên, chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người di cư tự do nên số người mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn tỉnh khá đông. Để giúp bà con, riêng năm nay, tỉnh mở được 50 lớp với khoảng 1.300 học viên, trong đó, các huyện nghèo 30a như huyện Đắk Glong và Tuy Đức chiếm đa số. Các lớp học chủ yếu diễn ra vào buổi tối, các học viên được truyền đạt các kiến thức theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có kiến thức tương đương từ lớp 1 đến lớp 3. Giai đoạn 2 tương đương với trình độ lớp 4 và lớp 5.

Lớp học xoá mù chữ tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nguyễn Du, xã vùng 3 Quảng Tâm, huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Theo bà Trúc, thầy cô giáo đứng lớp xoá mù chữ hiện nay là những tình nguyện viên, tất cả đều đang thầm lặng, nỗ lực giúp bà con bon làng thoát cảnh mù chữ: “Đối với giáo viên dạy xoá mù chữ với tư cách là tình nguyện viên thì được hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại thôi chứ công dạy thì không có. Tinh thần anh em dạy xoá mù chữ thì đầu tiên họ rất là thương người học, vì họ mù chữ và nguyện vọng rất muốn biết chữ, vì họ thấy lợi ích của việc biết chữ. Có nhiều người tâm sự, bây giờ biết chữ rồi rất tự tin đi ra ngoài. Người học cũng vui mà người dạy cũng cảm thấy giúp ích được cho người dân”.

Ban ngày lên lớp với con trẻ, đêm hôm lại lặn lội đường xa lên bục giảng cặm cụi dạy cho bà con bon làng biết chữ, nhưng đội ngũ những nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đắk Nông vẫn luôn vui vẻ, nhiệt tình. Những nhà giáo “bám bon” đang từng ngày thầm lặng cống hiến sức khoẻ và trí tuệ cho bon làng, giúp bà con biết con chữ, có điều kiện để hoà nhập với xã hội đang ngày càng phát triển.

Tác giả: Công Bắc

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến