Dòng sự kiện:
Những sản phẩm nào nằm trong danh sách cảnh bảo bị điều tra phòng vệ thương mại?
16/04/2020 13:05:11
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa có thông báo danh sách 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ trong quý I/2020.

Cụ thể, các mặt hàng này gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU; xe đạp điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU.

Cục Phòng vệ Thương mại cũng lưu ý mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là mặt hàng đang bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo chính thức điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.

Tháng 1/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang thụ lý hồ sơ và cân nhắc việc khởi xướng điều tra.

Gỗ dán nằm trong danh sách bị điều tra lẩn tránh thuế PVTM

Với mặt hàng tủ gỗ, đây là sản phẩm vừa bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm từ 4 tỷ USD năm 2018 xuống còn 2,5 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%). Xu hướng tăng đặc biệt thấy rõ kể từ tháng 3/2019 khi Hoa Kỳ bắt đầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

Đối với sản phẩm đá nhân tạo đã bị thị trường Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD. Theo Cục PVTM, từ thời điểm tháng 6/2019 sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng mạnh. Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù kim ngạch xuất khẩu của hai đối tác này thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

Riêng sản phẩm lốp xe tải và xe khách đang bị thị trường EU áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường EU đã giảm từ 618,5 triệu Euro năm 2017 xuống còn 180 triệu Euro năm 2019.

Còn với xe đạp điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, hiện sản phẩm của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Hoa Kỳ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974.

Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra và áp dụng 164 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) gồm 91 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp bán phá giá, 18 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, 21 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM và 33 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Do đó, xây dựng một hệ thống giám sát xu hướng xuất nhập khẩu với các nền kinh tế đã có FTA với Việt Nam nói riêng và các đối tác thương mại lớn khác nói chung để cảnh báo sớm, phòng ngừa rủi ro áp dụng biện pháp PVTM đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Để thực hiện chủ trương này, ngày 01 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg ban hành Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

Đề án đã đặt ra mục tiêu là xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về PVTM và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, Hệ thống cảnh báo sớm giúp giám sát hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để phát hiện những trường hợp tăng trưởng nhập khẩu quá nóng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn trước mắt (tới năm 2021) và giai đoạn tiếp theo (tới năm 2025) như xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, cung cấp thông tin cảnh báo trong quan hệ thương mại với 20 đối tác thương mại thường xuyên áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; củng cố cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc cảnh báo, ứng phó với các vụ việc PVTM; bồi dưỡng, đào tạo về PVTM cho 1000 cán bộ, 30 hiệp hội ngành hàng và 5000 doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thảo Nhi

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến