Dòng sự kiện:
Những thách thức với ông Biden trong việc chuyển giao quyền lực
26/11/2020 08:33:04
Chính quyền ông Joe Biden được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong và sau quá trình chuyển giao quyền lực.

Theo The Atlantic, ông Biden đắc cử tổng thống nhờ vào chiến dịch phần lớn được thực hiện trên không gian ảo, và từ bỏ hầu hết các hình thức vận động cử tri truyền thống. Tuy nhiên, việc xây dựng một chính quyền mới trong thời gian 11 tuần là thử thách lớn hơn nhiều.

Bốn năm trước, ông Barack Obama đã khởi động quá trình chuyển giao bằng cách mời Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Nhà Trắng, cùng nói chuyện trong một tiếng rưỡi, và cam kết sẽ hợp tác toàn diện với đội ngũ chuyển giao của ông Trump.

Ông Biden được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển giao. Ảnh: AP

Tuy nhiên, một cuộc gặp tương tự giữa Tổng thống Trump và ông Joe Biden khó có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Ngoài sự bất hợp tác từ chính phủ sắp mãn nhiệm, ông Biden và các cộng sự còn đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe gây ra bởi dịch Covid-19.

Patrick Gaspard, người từng điều hành việc tuyển dụng trong đội ngũ chuyển giao của ông Obama, nhớ lại: “Có rất nhiều người liên tục đến văn phòng tôi, để phỏng vấn, họp hay chuẩn bị cho các buổi họp, đưa ra lời khuyên… Đó là chuỗi ngày hoạt động liên tục, không nghỉ”.

Còn giờ đây, khi được hỏi về việc quản lý quá trình chuyển giao tổng thống giữa mùa dịch Covid-19, Gaspard nói rằng, dù điều này đang được điều hành bởi những cá nhân xuất sắc, nhưng ông không thể tưởng tượng được quá trình này diễn ra như thế nào.

Dù vậy, đội ngũ của Biden vẫn có những lợi thế nhất định so với quá trình chuyển giao thời Tổng thống Barack Obama năm 2008.

Những lợi thế nhất định

Vào thời điểm đó, đảng Dân chủ đã mất quyền kiểm soát Chính phủ Mỹ suốt 8 năm, trong khi tổng thống đắc cử có chưa đầy 4 năm ở Washington D.C. Ngược lại, ông Biden đã có gần nửa thế kỷ làm việc tại thủ đô nước Mỹ, trong đó có 8 năm trực tiếp làm việc tại Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, người được ông Biden lựa chọn để lãnh đạo quá trình chuyển giao, cựu Thượng nghị sĩ Ted Kaufman, chính là đồng tác giả của luật liên bang trong việc điều chỉnh quá trình chuyển giao tổng thống ở thời điểm hiện đại.

Theo Max Stier, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Partnership for Public Service, các thành viên trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Biden đều là những người am hiểu, thậm chí từng làm việc trong chính phủ Mỹ.

Được chỉ đạo bởi ông Ted Kaufman, đội ngũ chuyển giao của ông Biden đã bắt đầu hoạt động ở hậu trường trước cuộc bầu cử tới vài tháng. “Rất khó để vận hành nó theo đúng hướng, nhưng họ đã có khởi đầu tốt hơn bất kỳ đội ngũ nào khác cho đến nay”, ông Stier cho biết.

Ông Biden và các cộng sự vốn đã quen với phương thức làm việc trực tuyến từ xa. Ảnh: AP

Điều hành chính phủ “từ xa”

Theo The Atlantic, đội ngũ của ông Biden có một số lợi thế cho quá trình chuyển đổi giữa mùa dịch. Họ sẽ không phải dành nhiều thời gian hoặc tiền bạc để lập kế hoạch cho một lễ nhậm chức hoành tráng.

Tất nhiên, dịch Covid-19 không còn là vấn đề mới mẻ, rất nhiều trong số những người có khả năng trở thành nhân viên Nhà Trắng đã làm việc trực tuyến với nhau suốt nhiều tháng. Trong một vài trường hợp, các thành viên cũng có thể bắt đầu công việc trên nền tảng trực tuyến.

Sự gia tăng công việc từ xa đồng nghĩa với việc nhiều nhân viên mới có thể được tuyển dụng và hoàn tất các thủ tục giấy tờ ngay trên mạng. Điều này giúp nâng cao năng suất làm việc kể cả khi nhân viên không thể đi làm, thu hút một số lượng cựu nhân viên dưới thời Obama.

Tuy nhiên, nhiều công việc hệ trọng vẫn buộc phải gặp trực tiếp. Gaspard cho rằng, điều này sẽ đánh mất “tính năng động” của Chính phủ Mỹ, một thiếu sót lớn đối với những người đang nắm trong tay nhiệm vụ xây dựng một chính quyền mới.

“Thông thường, văn hóa thích ứng là điều cần thiết đối với bất kỳ quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống nào, và điều đó không thể xảy ra trên không gian ảo”, ông Gaspard khẳng định.

Nhiều vấn đề khác trong quá trình chuyển giao cũng không thể được tiến hành hoàn toàn từ xa. Một số nhân viên chuyển giao sẽ cần phải vào trực tiếp trụ sở các cơ quan chính phủ, để xem xét các tài liệu mật từ Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa...

Sự bất hợp tác của chính phủ tiền nhiệm

Một trở ngại lớn đối với quá trình chuyển giao của ông Joe Biden, là thái độ bất hợp tác từ chính quyền Tổng thống Trump.

Các cố vấn của ông Biden từng cảnh báo, sự chậm trễ này có thể làm tăng số người tử vong bởi Covid-19 tại Mỹ, vì nó cản trở khả năng của chính quyền mới trong việc phân phối vắc-xin. “Dù hiểu biết đến đâu, họ vẫn bị gạt ra ngoài lề. Và đó là một hạn chế thực sự”, Stier nói.

Max Stier, Giám đốc điều hành tổ chức Partnership for Public Service. Ảnh: Federal Times

Sự chậm trễ này còn gây ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh khác. Chẳng hạn, FBI không thể bắt đầu xử lý các giấy phép an ninh vĩnh viễn đối với giới chức chính quyền ông Biden. Điều này khiến các cơ quan hệ trọng thiếu hụt nhân viên nếu xảy ra một cuộc tấn công khủng bố.

Dịch Covid-19 và việc trì hoãn quá trình chuyển giao không gây tác động tức thời, song có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với sự vận hành trơn tru của chính quyền mới.

Theo Stier, một trong những khía cạnh quan trọng nhất nhưng thường bị bỏ qua trong quá trình chuyển giao, là sự tích hợp các vị trí mới được bổ nhiệm vào các đơn vị sự nghiệp cấp liên bang, những người lãnh trọng trách thực hiện các chính sách của chính quyền mới.

“Họ giống như khoang động cơ của chính phủ. Họ là những người biết nhiều nhất và hoàn thành nhiều việc nhất. Những xáo trộn và tình trạng hỗn loạn sẽ là điều không tốt đối với các hoạt động của họ”, ông Max Stier cho biết.

Giám đốc Partnership for Public Service cũng lo ngại các nhân viên liên bang sẽ gặp nhiều trở ngại nếu không được gặp trực tiếp những người giám sát mới của họ trong chính phủ Mỹ.

Tác giả: Việt Anh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến