“Niềm tin của bà con” và nguồn vốn lớn thứ hai cho nền kinh tế
18/12/2014 11:07:56
ANTT.VN – “Chính sách kiều hối của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang được thực hiện rất tốt, tạo được niềm tin lớn cho người dân. Điều đáng nói ở đây, lượng kiều hối đổ về, bên cạnh nguồn ngoại tệ từ 80.000 đồng bào lao động ở nước ngoài, còn có một sự đóng góp rất rất lớn từ hơn 4 triệu bà con kiều bào tại mọi ngõ ngách trên bản đồ thế giới”.

Tin liên quan

Nguồn vốn lớn thứ hai, chỉ sau FDI và lớn hơn cả ODA

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 9 trong danh sách những nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới vào năm 2013 với 11 tỷ USD, chiếm 8% GDP cả nước. Trước đó, năm 2012, lượng kiều hối về nước cũng được ước đạt xấp xỉ con số 10 tỷ USD.

Việt Nam liên tục là quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới

Gần đây nhất, trong một dự báo được đưa ra vào cuối tháng trước, WB đánh giá tăng trưởng kiều hối của Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao 10%, với lượng kiều hồi về nước ước đạt vào khoảng từ 12 đến 13 tỷ USD. Với đà tăng ổn định suốt 20 năm qua, tổ chức này nhận định trong năm 2014, Việt Nam tiếp tục lọt vào nhóm những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Những con số tăng trưởng ấn tượng trên phần nào phản ánh hiệu quả chính sách điều hành tiền tệ, xuất khẩu, mở rộng, quản lý thị trường lao động ngoài nước và thu hút kiều hối của Chính phủ trong suốt thời gian qua, đặc biệt là sự quan tâm đến cuộc sống của bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, khuyến khích dòng tiền kiều hối đổ về nước. Theo đánh giá của bà Patricia Z.Riingen, Phó chủ tịch cấp cao khu vực Đông Nam Á & châu Đại Dương của Western Union, Việt Nam là một trong những nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới, đồng thời là nền kinh tế mới nổi năng động và quan trọng trong khu vực.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mới nhất về kiều hối Việt Nam được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn 1991 - 2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6% với tổng giá trị kiều hối là 80,386 tỷ USD.

Cũng theo nghiên cứu trên, trong giai đoạn 2007 - 2013, tổng kiều hối vào là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện và lớn hơn cả nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004 - 2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Hoa Kỳ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, trong giai đoạn 2010 – 2012, chiếm tới khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước.

 Chính sách của nhà nước  và địa vi làm chủ đồng tiền kiều hối

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận định: “Chính sách kiều hối của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang được thực hiện rất tốt, tạo được niềm tin lớn cho người dân. Điều đáng nói ở đây, lượng kiều hối đổ về, bên cạnh nguồn ngoại tệ từ 80.000 đồng bào lao động ở nước ngoài, còn có một sự đóng góp rất rất lớn từ hơn 4 triệu bà con kiều bào tại mọi ngõ ngách trên bản đồ thế giới”.

chinh-sach-kieu-hoi

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội

“Thời gian vừa qua, các cơ quan đối ngoại đã tiến hành rất tốt chủ trương “Người Việt nhớ về cội nguồn”. Đồng thời, các văn bản quy phạm cũng đã có những hướng dẫn xử lý thủ tục chuyển tiền cho bà con kiều bào, đặc biệt phải kể đến Pháp lệnh kiều hối (sửa đổi năm 2012) của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tạo điều kiện cho người dân thực sự làm chủ đồng tiền mà mình làm ra và gửi về quê hương”- TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Liên quan đến quyền của người dân, khoản 2 Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: Ngoại tệ của người dân Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền kiều hối qua ngân hàng hoặc mạng bưu chính công cộng được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép. Nếu là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép. Như vậy, người dân nhận tiền từ thân nhân qua hệ thống ngân hàng sẽ không phải “miễn cưỡng” rút tiền VND theo tỷ giá ngân hàng đưa ra mà hoàn toàn có thể dùng đồng tiền của mình phục vụ những dự định đầu tư, tiết kiệm… mà họ cho là đúng đắn nhất.

TS Nguyễn Đức Kiên nhận xét: “Dần dần, các chính sách của nhà nước đã đi vào lòng dân, hợp ý dân. Những người đưa ra chính sách đã thay đổi tư duy từ chỗ ban ơn sang biết ơn, cảm ơn nguồn vốn đóng góp của bà con, đứng trên góc nhìn của bà con để đảm bảo quyền lợi cho bà con, giúp cho người gửi tiền, nhận tiền, giữ tiền cảm nhận rõ địa vị và vai trò làm chủ đồng tiền của mình”.

Niềm tin của nhân dân

Những con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức tín dụng  về số lượng hay tỷ lệ kiều hối tăng hàng năm chỉ là con số tương đối. Cái mà chúng ta đang nói đến đó là sự ổn định, là niềm tin của nhân dân vào chính sách của Chính phủ đã được xây dựng và phát triển, gìn giữ qua các năm.  

Thời điểm này 3 năm về trước, khi lãi suất đồng Việt Nam lên trên 18%/năm, có những trường hợp cá biệt tới 20%/năm, không ít người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi ngoại tệ về nước để người thân chuyển sang đồng nội tệ gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch. Đây cũng là chuyện bình thường trong hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, bởi đó là một chiến lược đầu tư trên thị trường ngoại hối nhằm kiếm lời nhờ sự biến động tỷ giá và sự chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền trong một cặp tiền tệ xác định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 11/2014 đạt 4,4 tỷ USD. Điều quan trọng nhất đó là lượng kiều hối đổ về trên địa bàn TP. HCM chủ yếu chảy vào sản xuất - kinh doanh, với 71,4%, so với năm 2013 là 70,2%; bất động sản khoảng 22,1%, so với năm 2013 là 20%; phần còn lại là hỗ trợ khó khăn của gia đình cũng như du lịch, học tập, chữa bệnh…

Điều này được TS Nguyễn Đức Kiên nhận định là không có gì bất ngờ, đồng tiền được đầu tư trong nước phục vụ sản xuất kinh doanh chứng tỏ được thể chế được cải cách tốt hơn. Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng vốn được gửi từ người thân ở nước ngoài về, thậm chí ở bên đó họ chấp nhận đi vay ngân hàng nước ngoài để gửi về đầu tư tại Việt Nam.

N.G- Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến