Dòng sự kiện:
Niềm tin tiền đồng trước 'giông bão'
16/08/2019 09:02:09
Huy động vốn của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm 2019, mặc dù tiền gửi tiết kiệm ngân hàng bị rất nhiều kênh đầu tư tài chính cạnh tranh...

Ảnh minh hoạ

Sau chuỗi ngày tăng giá, giá vàng trong nước tuần qua có những thời điểm thiết lập mức 42 triệu đồng/lượng, tỷ giá VND/USD cũng có những ngày tăng lên do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo các chuyên gia kinh tế, trên nguyên lý khi giá vàng và ngoại tệ tăng cao bao giờ cũng tác động vào thị trường tiền tệ do tâm lý người dân thường tìm đến mua những tài sản tài chính cất giữ để bảo toàn giá trị.

Thế nhưng, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam trong các ngân hàng vẫn rất cao, số liệu thống kê của 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán trong 7 tháng đầu năm 2019 cho thấy, tốc độ huy động vốn có mức tăng trưởng trên 7% so với cuối năm 2018. Bên cạnh đó, báo cáo nhanh của NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 8/2019, tổng nguồn vốn huy động của 12 NHTM có hội sở trên địa bàn TP.HCM đạt trên 3.000 tỷ đồng, không giảm so với những tuần giá vàng chưa biến động.

Nếu so sánh với 5 năm trước, lãi suất huy động ngân hàng hiện không phải quá cao nhưng niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng đang được nâng lên rất cao. Hiện nay, lãi suất tiết kiệm trong ngân hàng có thể tạm phân ra làm 3 mức: lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng vẫn bám sát trần lãi suất tiền gửi do NHNN quy định 5,5%/năm; đối với những kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng bình quân ở mức 6-7,2% ở các NHTM có vốn nhà nước chi phối, và ở các NHTMCP nhỏ là 7,3-7,8%/năm. Riêng các kỳ hạn 24 tháng và 60 tháng các NHTMCP nhỏ thường niêm yết cao hẳn lên, từ 8-8,6%/năm.

Tuy nhiên, các ngân hàng thường đưa ra mức lãi suất cao nhất trên 8%/năm để thu hút khách gửi tiền. Người hưởng được mức lãi suất tiết kiệm từ 8%/năm trở lên phải đi kèm với các điều kiện số tiền từ 500 triệu đồng trở lên và phải gửi kỳ hạn dài ít nhất là trên một năm…

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tổng nguồn vốn huy động VND của các TCTD trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2019 có tỷ lệ tăng 7,9% so với cuối năm 2018 và dự ước đến cuối tháng 7/2019 tăng 8,66%; trong đó bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư có tốc độ tăng trên 5% và chiếm 46,36% trên tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TP.HCM.

Các nhà quản lý tài chính tiền tệ, cho rằng việc tiền gửi tiết kiệm có tăng trưởng cao trong hệ thống ngân hàng cho thấy yếu tố vàng đã không còn cạnh tranh trực tiếp với lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Bởi nếu như 5 năm trước mỗi khi giá vàng tăng thị trường ngoại tệ bật dậy, lãi suất tiết kiệm cũng không thể ổn định. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đã rất khác so với thời điểm đó.

Thực tế đã chứng minh trong những ngày giá vàng tăng trong tuần qua, không ai dám bỏ tiền ra thị trường mua vàng với mức giá 42 triệu đồng/lượng để kỳ vọng giá tăng thêm bán chốt lời. Thậm chí, có ngày giá vàng tăng 2 triệu đồng/lượng nhưng thị trường vàng vẫn không có “sốt nóng”. Những người cầm tiền lúc này hiểu hơn ai hết, chênh lệch giá mua vào bán ra một lượng vàng đã đối mặt với lỗ lãi, chưa nói đến kỳ vọng giá vàng tăng thêm. Giới kinh doanh cho rằng, người dân đã nếm trải cay đắng qua các đợt giá vàng tăng từ hơn 5 năm trước nên hiện nay không còn chạy theo giá để tìm kiếm lợi nhuận nên thị trường vàng chủ yếu của giới đầu tư.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền đồng Việt Nam đã bị thử thách rất lớn từ đầu năm 2019 trong xu thế chiến tranh thương mại, các NHTW trên thế giới cắt giảm lãi suất, một số đồng tiền mạnh chủ động giảm giá… Tuy nhiên, đồng Việt Nam vẫn đứng vững trước giá vàng và giá USD trên thị trường ngoại tệ vẫn ổn định trước giông bão bên ngoài.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến