Dòng sự kiện:
Nợ xấu ngân hàng phân hóa trong nửa đầu năm
31/07/2022 15:15:12
Trong khi nợ xấu giảm ở nhiều ngân hàng, nhưng vẫn có không ít nhà băng nợ xấu có xu hướng tăng trong nửa đầu năm nay.

Đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù đối mặt với bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Sacombank vẫn duy trì kết quả hoạt động tốt, giữ được đà tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu.

Đáng chú ý hơn, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%.

Với Techcombank, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc cho biết, nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 0,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm quý I/2022.

Ngoài thu từ lãi thuần, dịch vụ, thì lãi từ hoạt động khác của TPBank nửa đầu năm nay cũng gấp 4 lần cùng kỳ, thu hơn 218 tỷ đồng, nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro hơn 310 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng liên tục duy trì thấp, chỉ có 0,76% tính đến cuối tháng 6/2022. Đồng thời, lãnh đạo ACB cũng cho biết, dư nợ tái cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 giảm 24% so với đầu năm nay và chỉ chiếm 3% tổng dư nợ.

Tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu

ACB là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt trên thị trường. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 185% tính đến cuối tháng 6/2022. Tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2022 ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, 171,6%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản.

Ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong hệ thống hiện nay là Vietcombank. Với mức nợ xấu đến cuối tháng 6/2022 là 6.694 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, nhưng ngân hàng này đã thiết lập kỷ lục về tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 506% vào cuối tháng 6.

Các chuyên gia của FiinGroup nhận định, những ngân hàng đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các ngân hàng còn lại.

Đó cũng là lý do đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VietBank trích 168 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 6 lần cùng kỳ. Kết quả, VietBank thu về gần 388 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 19%. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, 6 tháng, VietBank chỉ mới thực hiện được 36% kế hoạch.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, TPBank cũng dành ra gần 1.401 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 40%. Bởi tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý II/2022 của TPBank là 1.285 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 51%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% lên 0,85%. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 3.788 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 26% so cùng kỳ.

Trước những diễn biến trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa ra dự báo, nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%, bởi kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn kỳ vọng.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến