Dòng sự kiện:
Nội bộ cổ đông bất đồng, CC1 vẫn thế chấp trụ sở cho thương vụ trái phiếu 850 tỷ đồng
27/02/2020 16:14:04
Sau khi thu về 300 tỷ đồng trái phiếu đợt 1, CC1 tiếp tục lên kế hoạch phát hành các lô trái phiếu khác với tổng giá trị 850 tỷ đồng. Tòa Sailing Tower lần thứ 2 được định giá và làm tài sản thế chấp.

Mới đây, Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Mã CK: CC1) vừa công bố kết quả đợt phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ trong thời gian từ 22/11/2019 đến 14/2/2020.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu (“Trái phiếu A”) không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định cho năm đầu tiên là 11,5%/năm. Đối với các kỳ hạn tiếp theo, lãi suất sẽ bằng mức cao nhất của lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 12 tháng (cho các khoản tiền tiết kiệm dưới 5 tỷ đồng) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cộng biên độ 4,4%/năm. Lãi suất các năm tiếp theo được điều chỉnh theo định kỳ 3 tháng/lần.

Ở đợt phát hành này, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đóng vai trò tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và đại lý đăng ký lưu ký. Trong khi đó, tổ chức quản lý tài khoản, tài sản đảm bảo, thanh toán là Ngân hàng SHB, chi nhánh TP.HCM. 

Theo nguồn tin của ANTT, SHS cũng chính là trái chủ đã ôm trọn lô trái phiếu trên.

Tài sản đảm bảo là các quyền lợi liên quan đến toà nhà trụ sở Sailling Tower tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur (Quận 1, TP.HCM), với tổng giá trị được Công ty TNHH Thẩm định giá Valid định giá 1.404 tỷ đồng.

Tòa nhà Sailing Tower - nơi đặt trụ sở chính của CC1

Tổng công ty Xây dựng số 1 trực thuộc Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1979 trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị là Công ty xây dựng số 8, Công ty xây dựng số 10 và Công ty phát triển đô thị và khu công nghiệp.

Là doanh nghiệp có thế mạnh trong hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật, xây lắp và đầu tư, CC1 đã trở thành nhà thầu cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia, tiêu biểu có thể kể đến như nhà máy Thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi hay các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Ô Môn,…

CC1 chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần vào năm 2016 với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng nắm giữ 40,53%, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nắm giữ 19%, CTCP Cơ Điện Lạnh Nam Thịnh (15% vốn) và CTCP Top America VN nắm giữ 11% vốn điều lệ.

3 năm sau, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 25/5/2019, CTCP Cơ Điện Lạnh Nam Thịnh đã đề xuất bổ sung nội dung trình đại hội, đề nghị Bộ Xây dựng và HĐQT xem xét cho nhà đầu tư chiến lược được chuyển nhượng cổ phần tự do sau 3 năm nắm giữ thay vì 5 năm so với trước đây. Tuy nhiên cổ đông nhà nước cho biết chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp.

Cuối năm 2019, vốn điều lệ của CC1 vẫn giữ nguyên ở mức 1.100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông về cơ bản không có nhiều thay đổi, trong đó vốn góp nhà nước 40,53%; vốn góp cổ đông chiến lược 45% và 14,47% còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Báo cáo thường niên 2019 cũng ghi nhận, ông Lê Thành, cựu Thành viên HĐQT CC1 đã bán sạch 12,82% cổ phần đang sở hữu, không còn là cổ đông lớn. Thay vào đấy là sự xuất hiện của Quỹ Đầu tư Giá trị Bảo Việt (BVIF) với động thái liên tiếp mua vào cổ phiếu CC1, tỷ lệ nắm giữ hiện tại đã đạt mức 9,47%.

Ngoài ra, cuối năm 2019, HĐQT CC1 thông báo muốn tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 trong đó có tờ trình xin ý kiến thông qua việc thoái toàn bộ vốn nhà nước trên cơ sở quyết toán bàn giao vốn từ DNNN sang CTCP. Song, tới ngày 16/12/2019, CC1 bất ngờ hủy cuộc họp này, do cổ đông Bộ Xây dựng có ý kiến cho rằng chưa có cơ sở để tiến hành phiên họp.

Thu Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến