Dòng sự kiện:
Nova Consumer thuộc hệ sinh thái của ông Bùi Thành Nhơn có gì hấp dẫn?
16/01/2022 09:08:30
Nova Consumer sẽ "mở màn" IPO năm 2022 với 10,9 triệu cổ phiếu giá tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động gần 474 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Nova Consumer vừa thông báo chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với khối lượng 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ hiện tại.

Giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động là gần 474 tỷ đồng. Số tiền này được dùng cho mục tiêu tăng cường năng lực tài chính phát triển chuỗi thực phẩm và bổ sung vốn lưu động.

Cụ thể, doanh nghiệp có kế hoạch chi 430 tỷ đồng để mua lại phần vốn góp của Công ty Cổ phần Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc để phát triển chuỗi thực phẩm.

Đồng thời, Nova Consumer góp mới 35 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc và phần còn lại bổ sung vốn lưu động. Thời gian thực hiện trong quý I,II/2022.

Anova Feed - một thành viên của Nova Consumer chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc và gia cầm chất lượng cao. (Ảnh: Anova)

Số cổ phiếu này sẽ được chào bán thông qua đơn vị tư vấn là Chứng khoán SSI. Nhà đầu tư tham gia sẽ đặt mua tối thiểu 1.000 và tối đa là 5.444.000 cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc từ ngày 7/2-28/2/2022. Kết quả đặt mua sẽ được công bố vào ngày 4/3/2022.

Vốn điều lệ của Nova Consumer hiện đạt gần 1.089 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này sẽ có mức định giá khoảng 4.700 tỷ đồng trước khi IPO và sẽ là 5.200 tỷ đồng (gần 220 triệu USD) sau IPO. Sau khi IPO thành công, Nova Consumer sẽ nộp hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

Nova Consumer là một trong những thành viên của NovaGroup do ông Bùi Thành Nhơn sáng lập, bên cạnh những thành viên trụ cột khác như Novaland, Nova Service… Hiện "hệ sinh thái" Nova có Novaland đã IPO, Nova Consumer là cái tên thứ 2.

Về cơ cấu cổ đông, Nova Consumer chỉ có duy nhất một cổ đông lớn cá nhân là bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ ông Bùi Thành Nhơn đang nắm hơn 8,7 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ 8,06%. Còn lại là 5 cổ đông lớn là tổ chức gồm CTCP Thực phẩm ANOVA (18,23%), CTCP Phân phối No Va (17,14%), CTCP Thương Mại Bảo Khang (17,24%), CTCP Đầu tư A.N.O.V.A (15,1%), CTCP Sài Gòn Vet (19,57%).

Nova Consumer trước khi đổi tên năm 2021 là CTCP Anova (Anova Corp), tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn (được thành lập từ năm 1992), là nơi khởi nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).

Năm 2007, Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn được tái cấu trúc thành hai đơn vị là Anova Corp (nay là Nova Consumer) và Novaland. Trong đó, Novaland hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, còn Nova Consumer tập trung vào mảng cung cấp thuốc thú y, vắc-xin, thức ăn gia súc, con giống và giải pháp toàn diện cho người chăn nuôi.

Nova Consumer hiện có 11 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 2 công ty trong lĩnh vực vắc-xin và 4 công ty chuyên về sức khỏe vật nuôi với 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y được đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động và đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Trong mảng thức ăn chăn nuôi, Nova Consumer có 3 nhà máy với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm. Công ty có 7 trang trại heo, bò, gà ở nhiều tỉnh tại Việt Nam.

Nguồn thu chính của Nova Consumer gồm có mảng nông nghiệp: thuốc thú y, vắc-xin, thức ăn chăn nuôi, trang trại - nông trại và hàng tiêu dùng: thực phẩm, thức uống và dinh dưỡng.

Năm 2021, Nova Consumer đã xây dựng chiến lược đa dạng hóa ngành nghề, từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng, định hướng hoạt động theo mô hình 3F - từ trang trại đến bàn ăn (Feed - Farm - Food). Năm 2021, Nova Consumer đặt mục tiêu đạt 4.149 tỷ đồng doanh thu và 279 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau 9 tháng năm 2021, công ty đã đạt 2.664 tỷ doanh thu và 342 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến