Dòng sự kiện:
Nữ tỷ phú thầm lặng đứng sau ông chủ Masan giàu cỡ nào?
09/03/2020 09:24:22
Với khối tài sản lên tới hơn 2.358 tỷ đồng, bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan là một trong những "hậu phương" giàu có trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong số những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xuất hiện không ít những cặp vợ chồng đại gia Việt đầy quyền lực, điều hành hoạt động kinh doanh có quy mô cả ngàn tỷ đồng.

Giống như một số cặp vợ chồng khởi nghiệp từ Đông Âu khác, bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Nguyễn Đăng Quang là một trong những cặp vợ chồng doanh nhân cùng điều hành doanh nghiệp nghìn tỷ ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Hoàng Yến – vợ Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang

Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh năm 1963, nguyên quán ở Hà Nam và hiện đang sống tại TP. HCM. Bà là vợ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (MSN).

Bà Yến hiện đang giữ ghế thành viên HĐQT trong phần lớn các công ty con, công ty liên kết của Masan Group. Cụ thể, bà là Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn MaSan, Phó TGĐ & Thành viên HĐQT CTCP HTD Masan, Thành viên HĐQT CTCP VinaCafé Biên Hòa, Thành viên HĐQT CTCP Nước Khoáng Vĩnh Hảo.

Mặc dù có tên trong HĐQT nhiều công ty, nhưng bà Nguyễn Hoàng Yến chỉ đứng tên sở hữu cổ phần tại hai doanh nghiệp là Masan Group và Masan Consumer.

Cụ thể, hiện, bà Hoàng Yến nắm giữ 42.415.234 cổ phiếu MSN. Tính theo giá trị giao dịch cổ phiếu MSN, tài sản của bà Hoàng Yến tại MSN khoảng 2.307 tỷ đồng.

Tại Masan Consumer, bà Hoàng Yến nắm giữ 758.576 cổ phiếu. Tính theo giá trị giao dịch cổ phiếu MSN, tài sản của bà Hoàng Yến tại Masan Consumer khoảng 50,8 tỷ đồng.

Trong danh sách top những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán tính đến thời điểm ngày 8/3, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện đứng ở vị trí thứ 33 với 2.358 tỷ đồng.

Trước khi "chinh chiến" cùng chồng trong lĩnh vực kinh doanh, bà Yến từng có bằng cử nhân chuyên ngành Nga Văn và có 3 năm làm Giáo viên trường Cao đẳng Kiểm sát (1987-1990). Năm 2000, bà được bổ nhiệm vào HĐQT của Tập đoàn Masan.

Nguyễn Hoàng Yến có những đóng góp không nhỏ tại Masan Consumer. Bà đã tham gia vào công ty này từ những ngày đầu tiên thành lập. Từ một doanh nghiệp nhỏ bé, Masan Consumer đã trở thành gã khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng.

Masan Consumer được coi là "con gà đẻ trứng vàng" cho Masan Group khi đang sở hữu nhiều nhãn hàng như: Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, VinaCafe, Wake-up, Vĩnh Hảo, Kachi… 

Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Masan Consumer đạt 2598 tỷ. Đến năm 2019, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 3498 tỷ. Cuối năm 2019, cổ phiếu Masan Group giảm nhưng cổ phiếu Masan ConSumer lại tăng đột biến. Suy cho cùng, Masan Consumer vẫn là một công ty mạnh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. 

Dù là vợ của đại gia Nguyễn Đăng Quang song bà Yến khá kín tiếng. Nhiều người có quan hệ với bà Yến cho biết bà là mẫu phụ nữ đầy tài giỏi trong kinh doanh, nhưng cũng khéo vun vén để gia đình được yên ấm.

Về công ty mẹ - Masan Group, doanh thu thuần hợp nhất trong năm 2019 đạt 37.354 tỷ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỷ đồng.

Theo MSN, lý do doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn sụt giảm nhẹ trong năm 2019 là do doanh thu thuần của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) giảm 31,4% trong năm 2019, xuống 4.706 tỷ đồng do giá vonfram giảm 22% và trì hoãn việc bán đồng, tuy nhiên được bù đắp một phần nhờ doanh số bán Florit cao hơn.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi đối với hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc, doanh thu năm 2019 của Công ty cổ phần Masan MeatLife giảm 1,3%, đạt 13.799 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thức ăn gia súc được bù đắp nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản. Theo Masan, ngành thịt sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng năm 2020.

Trong khi đó, doanh thu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) đạt 18.845 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2018 (Nếu loại trừ tác động của việc thay đổi chính sách giá từ chi phí khuyến mãi sang giảm giá bán hàng trực tiếp, doanh thu của MCH có thể đạt tăng trưởng 10% so với năm trước). Các phát kiến ra mắt năm 2019 đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên chưa đóng góp vào doanh thu năm 2019 theo kế hoạch.

Trong năm 2019, một dấu mốc quan trọng với Masan là thương vụ nhận chuyển nhượng hệ thống 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và 14 nông trại VinEco.

Theo thỏa thuận, một công ty mới sẽ được thành lập và nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consumer Holdings và 83,7% cổ phần VCM, doanh nghiệp vận hành Vinmart và VinEco. Công ty mới này sẽ do Masan kiểm soát với tỷ lệ sở hữu 70%.

Bên cạnh đó, một công ty con của Masan cũng đã đưa ra đề nghị chào mua công khai đến 60% cổ phần của công ty NET với mức định giá 46 triệu USD. Thương vụ nếu thành công sẽ đưa Masan gia nhập ngành hàng mới là chăm sóc cá nhân và gia đình.

Diễn biến cổ phiếu MSN trong một năm qua. (Nguồn: Cafef)

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến