Điển hình của tình trạng "trong lỏng, ngoài chặt"
Chỉ sau 4 ngày bùng dịch, đã có 110 F0 được phát hiện tại phường Thanh Xuân Trung, tập trung tại ngõ 328 và ngõ 330 Nguyễn Trãi.
Các bệnh nhân ghi nhận tại phường Thanh Xuân Trung chủ yếu liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường.
"Điểm nóng" Thanh Xuân Trung nhìn từ trên cao.
Sau khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, lực lượng chức năng cũng đã phong tỏa ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi với hơn 2.000 người. Nhiều lớp hàng rào, chốt trực đã được dựng lên tại đây.
Ngày 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Đáng chú ý, trong thời điểm Chủ tịch Chu Ngọc Anh đi kiểm tra, một số người dân vẫn đi lại trong khu phong tỏa. Người đứng đầu thành phố nêu rõ đây là những "lỗ hổng" trong "vùng đỏ" rất nguy hiểm.
Ngày 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân.
"Ổ dịch tại Thanh Xuân Trung hiện nay là điển hình của tình trạng "ngoài xanh, trong đỏ", "trong lỏng, ngoài chặt" dẫn đến dịch lây nhiễm rất rộng và phức tạp", đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, trong cuộc trao đổi với Dân trí.
Cũng theo PGS Hùng, chỉ số lây nhiễm cao - trung bình một F0 làm lây nhiễm thứ phát cho 10 - 15 người khác trong cùng khu vực - được ghi nhận ở một số vụ dịch gần đây trên địa bàn, cũng đã cho thấy "trong lỏng, ngoài chặt" không phải là tình trạng của riêng vụ dịch ở Thanh Xuân Trung.
"Trong lỏng ngoài chặt tức là chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt ở đầu mỗi ngõ phố, mỗi khu chung cư, tòa nhà nhưng ở bên trong thì vẫn còn lỏng lẻo, người dân vẫn tụ tập, chơi đùa thì chắc chắn không thể "an toàn" được", PGS Hùng phân tích.
"Trong lỏng, ngoài chặt" không phải là tình trạng của riêng vụ dịch ở Thanh Xuân Trung (Ảnh minh họa).
Chuyên gia này dẫn chứng trường hợp một số nơi dựng mỗi thanh chắn và treo biển "Vùng xanh an toàn", nhưng lại không kiểm soát chặt người ra vào, đặc biệt là với những người đi chợ, mua sắm ở siêu thị, thậm chí là thực hiện lén lút các dịch vụ không cho phép trong thời gian giãn cách như cắt tóc, gội đầu...
PGS Hùng nhấn mạnh: "Vụ dịch ở Thanh Xuân Trung cũng nằm trong tình huống này. Người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Những yếu tố này làm cho việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều".
Theo CDC Hà Nội, chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung đã đến chu kì lây nhiễm thứ 2 - 3. Đáng chú ý, đặc điểm của khu vực bùng phát dịch có mật độ dân cư cao, ngõ, ngách nhỏ, có khu tập thể cũ nên khả năng tiếp xúc rất lớn.
Ngoài ra, có tình trạng người dân "ngại" khai báo lịch trình di chuyển, vì lo bị xử phạt, khi thành phố vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm các ca bệnh.
Biện pháp đặc thù cho khu vực "phố nhỏ, ngõ nhỏ, người đông"
Theo nhận định của PGS Hùng, thực tế thời gian qua, Hà Nội đã khống chế dịch bùng phát rất hiệu quả. Điều này thể hiện ở cả về mức độ xảy ra dịch, cũng như khả năng khống chế dập dịch nhanh, hiệu quả tại các ổ dịch phức tạp.
Khu vực phong tỏa tại phường Thanh Xuân Trung.
Để hạn chế xảy ra các vụ dịch tương tự như ở Thanh Xuân Trung, Hà Nội cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa việc tuân thủ giãn cách, quy định 5K của người dân ở bên trong mỗi khu chung cư, mỗi tòa nhà, mỗi đường làng ngõ xóm.
Tại các khu vực "phố nhỏ, ngõ nhỏ, người đông" đặc thù của vùng nội đô, theo PGS Hùng, để kiểm soát dịch, cần tăng cường giám sát qua camera và xử phạt nghiêm minh những người vi phạm.
Để làm tốt việc này, chính quyền cơ sở (phường, xã), tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Họ vừa tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định giãn cách. Việc kiểm soát người mua sắm cũng cần thực hiện cả ở các siêu thị, quầy tạp hóa chứ không chỉ ở mỗi khu chợ truyền thống như hiện nay.
Để làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh, chính quyền cơ sở (phường, xã), tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng có vai trò rất quan trọng (Ảnh minh họa).
"Cần nhấn mạnh rằng, chính quyền cơ sở, tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Đây là lực lượng quyết định việc đưa biện pháp chống dịch của thành phố vào cuộc sống. Do đó, lực lượng này cần bám sát và hỗ trợ người dân nhiều hơn, thực hiện nhiệm vụ quyết liệt hơn", PGS Hùng nêu quan điểm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc tăng cường các biện pháp chống dịch trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có nội dung về việc yêu cầu các cơ quan liên quan tuyên truyền mạnh hơn, hiệu quả hơn để người dân nắm rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm quy định của thành phố, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở nguyên đó".
Vận động đến từng hộ gia đình không ra ngoài khi không có lý do chính đáng; ký cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm…
Tác giả: Minh Nhật
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy