Ô tô công thanh lý 46,2 triệu đồng: Nguy cơ con voi chui lọt lỗ kim (!)
11/03/2017 07:09:11
ANTT.VN – Thông tin có hơn 1.100 chiếc xe ô tô công vừa được bán thanh lý với giá trung bình 46,2 triệu đồng/ chiếc mà Cục Quản lý Công sản (QLCS) – Bộ Tài chính vừa công bố khiến dư luận không khỏi kinh ngạc vì giá bán rẻ như cho này, đồng thời đặt câu hỏi liệu người dân có thể mua ô tô thanh lý này hay không?!

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Người dân được mua không?

Chiều 8/3, Cục QLCS Bộ Tài chính tổ chức họp báo định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách xe ô tô công, thay thế Quyết định 32/2015/TTg ban hành ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục QLCS, hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ, số xe công dư thừa trong cả nước là hơn 3.100 chiếc, đã bán thanh lý hơn 1.100 chiếc bình quân 46,2 triệu đồng/ chiếc, trong đó hơn 700 xe bán đã nộp tiền vào ngân sách.

Con số 46,2 triệu đồng này ngay lập tức gây sự chú ý, bởi nó được cho là quá rẻ so với giá trị một chiếc ô tô, cho dù đã cũ nát đến mức nào, khiến dư luận đặt câu hỏi, và nhiều người muốn biết người dân có thể mua xe thanh lý đó hay không.

Theo luật gia Vũ Minh Tiến (Cty luật hợp danh Thiên Thanh) thì trình tự, thủ tục thanh lý xe công được tiến hành theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/6/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Luật giaVũ Minh Tiến

Theo đó, quá trình thanh lý xe công phải trải qua các bước lập hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản, thẩm tra tài sản cần thanh lý, ra quyết định thanh lý tài sản, tổ chức thanh lý tài sản, báo cáo biến động tài sản và nộp quỹ vào ngân sách nhà nước (nếu có).

Pháp luật cũng quy định rất rõ ràng: Thủ trưởng cơ quan nhà nước có tài sản bán thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm. Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ (Điểm b Khoản 1 Điều 22, Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP).

Cũng theo luật gia Vũ Minh Tiến, việc tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết thông tin tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là bảy ngày trước khi tiến hành bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản.

Đối với quy định những ai được tham gia mua xe công thanh lý thì tại Điều 30 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định, ngoại trừ người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước; người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước; cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật thì bất cứ ai đều có quyền tham gia đấu giá tài sản, xe công cũng không phải là ngoại lệ.

Như vậy, mọi người dân không thuộc các đối tượng nói trên đều có quyền tham gia đấu giá để mua xe công thanh lý.

Giám sát thanh lý xe công: Không để “múa tay trong bị”

Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta thường thấy chỉ đến khi xe công đã được bán thanh lý xong, dư luận mới biết mức giá thanh lý là bao nhiêu, thanh lý bao nhiêu xe. Còn đơn vị nào thanh lý, thanh lý vào thời điểm nào, chất lượng xe thanh lý ra sao, ai là người mua, quá trình thẩm định giá như thế nào… thì hầu như chẳng một ai biết đến.

Trao đổi với ANTT.VN, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định giá cho biết: Có rất nhiều đơn vị đã lợi dụng biên độ giá thanh lý tài sản, gian dối hồ sơ, bắt tay với cty thẩm định giá bên ngoài để “làm giá” hòng trục lợi và khiến ngân sách thất thu.

Cụ thể hiện nay pháp luật hiện hành cho phép hai phương thức bán thanh lý tài sản Nhà nước như sau: bán đấu giá trong trường hợp giá trị còn lại trên 50 triệu đồng/01 đơn vị tài sản, bán chỉ định trong trường hợp giá trị còn lại dưới 50 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.

“Lợi dụng quy định này, nhiều đơn vị có xe công thanh lý đã cố tình chụp ảnh các chi tiết xuống cấp, trầy xước của xe công rồi thuê các cty thẩm định giá đánh giá thấp xe công đó nhằm mục đích kéo giá trị của xe xuống dưới 50 triệu đồng để tránh phải bán đấu giá công khai. Từ đó, đơn vị đó được phép “múa tay trong bị”, bán chỉ định cho người nhà, hoặc cho trung gian rồi sau đó mới bán đến tay người tiêu dùng” – vị chuyên gia chia sẻ.

Như vậy là, chủ trương rà soát siết chặt quản lý xe công là chủ trương tốt được dư luận đồng tình ủng hộ, song nếu việc giám sát thanh lý xe công không được chặt chẽ sẽ dẫn đến lơin ích nhóm, làm ngân sách thất thu.

Chia sẻ với ANTT.VN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định:

Có một số vấn đề cần làm rõ: giá ô tô 46,2 triệu đó do ai tính và tính theo phương thức nào? Tôi biết nhiều đơn vị tính giá đó trên cơ sở khấu trừ tự nhiên. Đó là cách tính của giá kế toán, chỉ dùng để quản lý. Còn trên thực tế, để đảm bảo minh bạch khách quan,  tài sản công cần phải mang ra đấu giá do trung tâm đấu giá của thành phố, của ngành tổ chức.

Điều thứ hai là cần phải tổ chức đấu giá tập trung, không nên để cho đơn vị đó tự quyết định. Trường hợp này các xe công nên được Bộ Tài chính thu hồi và tổ chức đấu giá.

Một điều nữa theo tôi, nên có các đợt thanh kiểm tra về xử lý tài sản công, kể cả bán rồi, cán bộ phụ trách nghỉ hưu rồi mà phát hiện sai phạm vẫn bị truy hồi xử lý. Có như vậy việc xử lý tài sản công mới được thực hiện chặt chẽ và công bằng.

Luật gia Vũ Minh Tiến cũng cho rằng, thời gian tới, rất cần có sự công khai dòng xe, hãng xe, số xe, của đơn vị nào, mua từ bao giờ, đấu thầu giá khởi điểm bao nhiêu, đơn vị nào tiến hành việc đấu giá, người tham gia đấu giá nộp đơn khi nào, ở đâu trước khi tiến hành bán đấu giá thanh lý xe công. Thậm chí, còn cần công bố danh sách những người trúng đấu giá, tên, tuổi, địa chỉ để tránh tình trạng quân xanh quân đỏ, thanh lý tài sản công nhưng tiến hành nội bộ,…

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến