Dòng sự kiện:
OCB lỡ hẹn kế hoạch niêm yết, cổ đông 'truy' lỗi gay gắt
06/05/2019 06:02:03
Theo cổ đông OCB, HĐQT đã chậm "chân", không đưa cổ phiếu lên sàn sớm hơn, khi giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức cao khiến cổ đông không hài lòng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) diễn ra ngày 27/4,  nhiều cổ đông đã gay gắt đã chất vấn và “truy” Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc lỡ hẹn kế hoạch niêm yết.

Theo cổ đông, HĐQT đã chậm "chân", không đưa cổ phiếu lên sàn sớm hơn, khi giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức cao khiến cổ đông không hài lòng.

Nói về vấn đề này, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng đã chia sẻ rằng, phía ngân hàng hoàn toàn không có chuyện không muốn niêm yết mà chỉ cân nhắc thời điểm lên sàn để tốt cho việc quản trị điều hành và cả cổ đông.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của OCB

Theo ông Tuấn, OCB có lợi nhuận 2.000 tỷ đồng trở lên còn room cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Chính vì vậy, Hội đồng quản trị chủ trương tìm các cổ đông chiến lược hoặc cổ đông nước ngoài có khả năng để gia tăng năng lực tài chính cũng như quản trị cho ngân hàng.

Do vậy, OCB quyết định phải lùi lại thời gian lên sàn, nhằm có phương án và thời điểm niêm yết hiệu quả nhất đối với ngân hàng và cổ đông và kỳ vọng trước khi kết thúc năm tài khóa 2019. 

Chưa hài lòng về câu trả lời của đại diện HĐQT OCB, cổ đông tiếp tục chất vấn xoay quanh vấn đề niêm yết là mốc thời gian cụ thể ngân hàng này sẽ đàm phán xong với nhà đầu tư nước ngoài để đạt được thoả thuận, từ đó tiến hành niêm yết.

Chủ tịch OCB trả lời: "Việc đàm phán mất nhiều thời gian, chưa kể phải đàm phán với nhiều đối tác khác nhau. Về thời gian, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất và cuối quý 3/2019. Nói tóm lại, OCB sẽ cố gắng niêm yết trong năm nay, với sự cố gắng rất cao của HĐQT nhiều khả năng sẽ không chậm trễ hơn nữa"- Chủ tịch OCB nói thêm.

Năm 2019, OCB đặt chỉ tiêu tăng trưởng 30% đối với các chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện được cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng); tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần ở mức 37%, lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với năm 2018.

Tổng tài sản đạt 120.047 tỷ đồng, tăng gần 20%; tổng nguồn vốn huy động đạt 105.980 tỷ đồng, tăng 21%.

Huy động thị trường 1 đạt 88.380 tỷ đồng, tăng 24%. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 75.253 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. 

Cũng trong năm nay, OCB dự kiến mức vốn điều lệ tăng từ 2.484 tỷ đồng lên hơn 9.083 tỷ đồng và quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%.

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 100.047 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động đạt 87.914 tỷ đồng, tăng gần 15%, huy động thị trường 1 đạt 71.158 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017.


Thực tế, yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8 năm ngoái.

Theo Chiến lược đề ra, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam, nghĩa là niêm yết trên HoSE hoặc HNX mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Yêu cầu trên cũng xuất phát từ ngân hàng là một ngành kinh doanh khá đặc biệt khi hàng hóa ở đây là tiền tệ.

Tuy nhiên, tính đến nay, trong số 31 ngân hàng thương mại đang hoạt động thì chỉ 17 đơn vị đã niêm yết và đăng ký giao dịch chính thức. Trong số này có 11 ngân hàng niêm yết trên sàn HoSE, 3 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX và 3 ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong năm 2018, hàng loạt ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết. Thế nhưng hết năm chỉ có 3 ngân hàng hoàn thành mục tiêu này với việc niêm yết trên sàn HoSE, đó là Techcombank, HDBank và TPBank. Lên sàn không những mang lại cơ hội thành công trong công tác gọi vốn của ngân hàng mà việc niêm yết thành công còn đưa TPBank, HDBank, Techcombank vào nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất năm 2018.

Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng ngại lên sàn vì yêu cầu phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính. Đặc biệt là những ngân hàng có lợi nhuận thấp, nợ xấu cao sẽ không muốn công khai vì lo ngại ảnh hưởng hoạt động và giá cổ phiếu.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, nhất định cần yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Điều này nhằm tạo thêm sức ép để các ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp tục gia tăng sự giám sát của công chúng, hạn chế các giao dịch đổ vốn hàm chứa rủi ro vào các doanh nghiệp có liên quan, trong hệ sinh thái và mạng lưới sở hữu chéo với các cổ đông lớn của ngân hàng.

“Nhất định cần yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Điều này nhằm tạo thêm sức ép để các ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp tục gia tăng sự giám sát của công chúng, hạn chế các giao dịch đổ vốn hàm chứa rủi ro vào các doanh nghiệp có liên quan, trong hệ sinh thái và mạng lưới sở hữu chéo với các cổ đông lớn của ngân hàng”, Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực chia sẻ.


 

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến