Dòng sự kiện:
Ông Võ Kim Cự vô cùng dũng cảm, kiên cường, và có tầm nhìn xa!
09/09/2016 13:59:28
ANTT.VN – Hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả, và rất hình thức song tính trong năm 2016, khối các hội, hiệp hội vẫn “tiêu xài” hết 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách. Trong số đó, riêng kinh phí dành cho Liên minh Hợp tác xã VN do ông Võ Kim Cự làm Chủ tịch đã là 112 tỉ đồng.

Tin liên quan

Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 8/9, khi đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Luật về hội, TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng, các tổ chức do Đảng, nhà nước thành lập, gọi là các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp đang có vấn đề lớn phải giải quyết đó đều đang hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả, và rất hình thức. Bên cạnh đó, các tổ chức này tiêu tiền ngân sách nhà nước và khó kiểm soát.

“Kinh phí dành cho khối này theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế (đại học Quốc gia) năm 2016 là 14.000 tỷ đồng; riêng Liên minh Hợp tác xã VN là 112 tỷ trong năm 2016; tính cả tài sản của các tổ chức này là 68.000 tỷ đồng, chiếm 1,7% GDP, chưa kể nguồn lực công tác cán bộ”, ông Giao nói.

Tính riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do ông Võ Kim Cự hiện đang làm Chủ tịch đã tiêu xài hết 112 tỷ đồng trong năm 2016.

Đáng chú ý, theo ông Hoàng Ngọc Giao, số lượng các tổ chức đặc thù hiện nay là khoảng 8.000, các hội này tiếp tục cơ chế xin tổ chức đặc thù, rồi xin tiền.

TS Hoàng Ngọc Giao băn khoăn đặt câu hỏi: “Luật ngân sách cũng nói rõ các tổ chức này thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo, chỉ hỗ trợ cho nhiệm vụ được giao. Vậy luật này có giải quyết vấn đề này hay không? Tôi cho rằng nên và có phần quy định nguyên tắc tiêu ngân sách, trách nhiệm giải trình. Vì nếu gạt hẳn ra thì chẳng ở đâu giải quyết, phải tầm luật thì mới giải quyết minh bạch hoá và giải trình của các tổ chức này”.

Theo ông Giao, đã là chủ trương xóa bỏ dần bao cấp với tổ chức chính trị xã hội, đặc thù, để họ tự lo thì phải có cơ chế để họ tự sống, không bám vào bầu sữa ngân sách, ví dụ như trao hội quyền tự gây quỹ; nhận nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài...

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đồng tình với việc các tổ chức mang tính xã hội, hội đặc thù phải tự chủ tài chính. Từ năm 1981 Bộ Tài chính đã có quy định này. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay không thể bao cấp mãi cho các hội được. Nhà nước chỉ hỗ trợ khi các hội tham gia thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại cho rằng, quy định trong dự thảo còn lằng nhằng, mù mờ, không biết tổ chức phi chính phủ, hội, quỹ thì cái nào trong cái nào. Rồi luật điều chỉnh tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nhưng của trong nước lại không, nhiều quy định không thống nhất cách hiểu trong toàn bộ luật dẫn đến luật có ra đời cũng khó điều chỉnh.

“Ví dụ công chức của Cục An toàn thực phẩm mà tham gia hiệp hội sữa, cán bộ làm Bộ Công thương cấp phép về phân bón nhưng lại tham gia hiệp hội phân bón... thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Hay làm ở ngân hàng lại tham gia hiệp hội kinh doanh vàng thì hoà cả làng, vì thế cần làm rõ để có quy định cấm nhất định chứ không thể để Luật ra đời mà không tạo được nề nếp”, đại biểu  Nguyễn Sỹ Cương nói.

Bên cạnh đó, ông Cương cũng đề nghị phải quản lý cả các hội có yếu tố nước ngoài.

Theo ông Cương, “nên phân chia hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân để có quy định điều chỉnh. Quy định theo hướng này thì hội có yếu tố nước ngoài cũng có thể quản lý được chứ không để buông như dự thảo”.

Trong buổi làm việc với các lãnh đạo Chính phủ vào ngày 29/8 vừa qua, với tư cách là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, ông Võ Kim Cự đã cho chúng tôi thấy ông là một người vô cùng dũng cảm, kiên cường và có tầm nhìn xa, xa đến mức mà những người dân thường (như chúng tôi) có lẽ không bao giờ có khả năng nhìn thấy được.

Trong buổi làm việc với các lãnh đạo Chính phủ vào ngày 29/8 vừa qua, với tư cách là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, ông Võ Kim Cự đã đề nghị với Chính phủ, các ban, bộ, ngành tạo điều kiện cho Liên minh Hợp tác xã mở rộng quan hệ quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường, kêu gọi các nguồn lực tài chính các dự án ODA viện trợ hoàn lại và không hoàn lại. Đồng thời, cho phép Liên minh HTX cử một số đoàn nghiên cứu kinh tế hợp tác một số nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Indonesia, Liên bang Nga…

Đáp lại đề nghị của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn: “Các đồng chí hoạt động hiệu quả thì đi nước nào cũng được, đó là việc đối ngoại của các đồng chí, sao phải xin phép Chính phủ việc này. Tuy nhiên, phải đi trên tinh thần tiết kiệm, đã đi phải có hiệu quả, chứ không phải đi nước ngoài để vui vẻ dăm ba hôm rồi về!”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, tài chính cho các chuyến đi này phải là từ nguồn xã hội hóa, chứ không thể từ ngân sách Nhà nước.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Võ Kim Cự. Ảnh: Báo Đất Việt.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá hoạt động của Liên minh Hợp tác xã gói gọn trong 5 chữ: “Rất yếu, yếu toàn thân”.

Theo ông Hùng, vị trí của Liên minh HTX rất quan trọng nhưng lại không phát huy được vai trò của mình. Ông Hùng cũng cho rằng, Liên minh HTX yếu một phần nữa là do một phần từ cơ quan quản lý Nhà nước, nếu thông suốt từ Trung ương tới địa phương thì sẽ tốt hơn nhiều, từ đó xác định và quy được trách nhiệm của người đứng đầu.

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến