Dòng sự kiện:
Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Cách chức lãnh đạo để nhà máy gỗ dăm mọc trái phép là nghiêm ngay
09/09/2016 10:33:50
ANTT.VN - 28 nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép công khai hoạt động bất chấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Dư luận cho rằng đang có “lợi ích nhóm” ở trong những dự án này, và thái độ chỉ đạo dẹp bỏ của chính quyền địa phương chỉ mang tính nửa vời.

Tin liên quan

Liên quan đến vấn đề này, ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, Phó ban tổ chức tỉnh ủy Thanh Hóa.

Thưa ông, hiện nay có gần 30 nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép được xây dựng và hoạt động trên địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Như Thanh... Với tư cách là đại biểu Quốc hội đại diện cho tiếng nói của cử tri, xin ông cho biết ý kiến về việc này?

Kết luận số 76 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra những cơ sở băm dăm gỗ trái phép và một số DN hoạt động vượt công suất đăng ký cũng như chỉ rõ những khuyết điểm của các sở, ngành, chính quyền địa phương, rồi yêu cầu các cơ sở vi phạm chủ động tháo dỡ. Kết luận đó vừa đúng thẩm quyền vừa nghiêm túc.

Đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thực hiện kết luận 76 tại hai địa bàn là huyện Tĩnh Gia và huyện Như Thanh.

Ông Mai Sỹ Diến

Kết quả trong đợt kiểm tra này như thế nào, thưa ông?

Vấn đề thứ nhất: Nhiều cơ sở vẫn hoạt động bất chấp việc chỉ đạo dừng, chủ động tháo dỡ máy móc, thiết bị vi phạm. Trong đó, ở huyện Tĩnh Giacó 7 cơ sở vi phạm, trong đó 1 cơ sở đã dừng hoạt động trước khi có kết luận số 76 là Cty TNHH Đầu tư Nghi Sơn (huyện báo cáo dừng từ 5.2016), một số máy vận hành đã gỉ, nhưng máy băm dăm lại chuyển đi chỗ khác.

Công ty Sinh Lộc Phát có trụ sở tại TPHCM và nhiều công ty con, có chức năng xuất khẩu, thuê đất cảng nhưng không làm thủ tục xây dựng. Khi chúng tôi xuống thì công ty này vẫn hoạt động bình thường, vẫn đang băm dăm gỗ để xuất khẩu.

Trước tình trạng này, Đoàn ĐBQH Thanh hóa đã có làm việc với lãnh đạo huyện Tĩnh Gia và các sở, ngành, yêu cầu thực hiện nghiêm túc kết luận số 76.

Cần phải nói thêm rằng, nhiều đơn vị ban đầu đăng ký làm nan thanh xuất khẩu từ nguyên liệu gỗ rừng hoặc viên nén năng lượng xuất khẩu, rồi tận dụng cành, đầu mầu để băm dăm, nhưng thực tế không lắp dây chuyền làm nan thanh mà chỉ lắp dây chuyền băm dăm.

Ví dụ như Cty Tân Nhật Thanh của Thanh Kỳ, Như Thanh (công ty con của Sinh Lộc Phát) đăng ký làm nan thanh nhưng không làm mà 5-6 năm qua chỉ băm dăm, bao nhiêu gỗ rừng trồng băm hết, rất lãng phí nguyên liệu gỗ có thể làm nan thanh!.

Tôi xuống gặp các chủ cơ sở thì bảo bọn em là nông dân, vay vốn ngân hàng đặt dây chuyền 3-4 tỉ cứ tưởng sẵn gỗ rừng trồng đó em băm dăm rồi đơn vị khác xuất khẩu, giờ các bác bảo em sai, phép bắt em tháo dỡ máy móc thì em chết. Nếu nói thế thì chẳng còn gì là luật pháp cả, vấn đề sai thì phải xử lý. Tỉnh đã chỉ đạo thì phải thực hiện nghiêm, phải chấm dứt hoạt động, tháo dỡ máy móc trước 15/7…

Tôi khẳng định tất cả các vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, thương mại là anh em chính quyền biết hết. Vi phạm đất đai có thể chậm phát hiện nhưng vi phạm hành chính là dễ phát hiện nhất.

Tĩnh Gia là huyện có nhiều nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp hồi tháng 5 thì những nhà máy này phải bị xử lý dứt điểm trước 15/7.  Tại cuộc khảo sát cuối tháng 8 vừa rồi của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thì ông thấy thực tế các nhà máy này còn hoạt động hay không?

Bản thân các nhà máy tại huyện Tĩnh Gia là chưa dừng.

Trong khi tình trạng vi phạm pháp luật chưa được xử lý thì mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có văn bản số 8892 hướng dẫn doanh nghiệp có nhà máy chế biến gỗ dăm vi phạm bổ sung hồ sơ để hợp thức hóa các nhà máy trái phép này. Ông có thấy đấy là điều mâu thuẫn không?

Văn bản này là tỉnh nói vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm kết luận 76 về dừng hoạt động các nhà máy trái phép, còn lại cơ sở nào có nhu cầu, có năng lực thì báo cáo về tỉnh để xem xét chứ chưa quyết định. Từ kiến nghị đó, trong thông báo tỉnh khẳng định kết luận số 76 sẽ thực hiện nghiêm, sau đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chứ chưa chắc cái gì cả nên chưa thấy mâu thuẫn trong vấn đề này.

Nhưng thưa ông, theo Quyết định số 5115 của Bộ trưởng BộNông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì đối với các tỉnh  Bắc Trung bộ sẽ bị hạn chế phê duyệt đầu tư mở mới cơ sở sản xuất dăm gỗ, các dự án nếu được cấp phép phải có thỏa thuận của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Với văn bản 8892 này, tỉnh Thanh Hóa đã tham vấn ý kiến của Bộ này chưa?

Việc xin ý kiến thì đây là quy định của Bộ NN&PTNT về chuyên ngành. Tỉnh có cấp mới thì phải xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng theo tôi, các dự án này cũng khó được Bộ NN&PTNT chấp thuận.

Ông đánh giá như thế nào về thái độ, tinh thần trách nhiệm của chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia trong việc xử lý sai phạm của các cơ sở băm dăm gỗ này?

Đối với Tĩnh Gia và một số huyện thực hiện không nghiêm túc kết luận số 76, tôi cho rằng trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm của các cấp chính quyền, kể từ tỉnh trở xuống chứ không chỉ cấp xã, huyện. Nếu bây giờ cấp xã, huyện quản lý hành chính, sai biết rồi, mà không thực hiện nghiêm kết luận của tỉnh, thì chuyện kiểm điểm nó cũng phải có thái độ rõ ràng. Bây giờ chủ tịch tỉnh chỉ đạo xuống chủ tịch huyện cách chức hoặc đình chỉ chủ tịch của xã có vi phạm mà không thực hiện nghiêm kết luận số 76, mỗi huyện làm đến 3 xã đi là nó nghiêm ngay. Chưa thấy anh nào bị cách chức, đình chỉ, mà mới kiểm điểm. Kết luận chỉ đạo phải dừng trước 15/7 mà không dừng. Chỉ đạo gì thì chỉ đạo, bây giờ vấn đề quản lý hành chính trên địa bàn phải được xử lý nghiêm minh đúng quy trình thủ tục, hậu quả vi phạm phải được khắc phục như KL 76. Chứ đây 1 tháng rưỡi rồi, nhưng lại không thực hiện, nếu anh chỉ đạo mà không quyết liệt thì việc thực hiện sẽ không nghiêm.

Ông bình luận như thế nào khi có thông tin cho rằng lãnh đạo địa phương có dấu hiệu “bảo kê”, có “cổ phần" trong các nhà máy này cho nên nhà máy sai phép vẫn tồn tại?

Dư luận nó là kênh thông tin mình phải đi kiểm chứng. ĐBQH là do dân bầu ra, có chức năng giám sát, khảo sát dư luận phản ánh để kiến nghị cho đúng bản chất của vấn đề. Từ khi NQTƯ4 nói lợi ích nhóm, mọi người mới bắt đầu nói lợi ích nhóm. Vấn đề lợi ích nhóm thì Trung ương khẳng định là có, nhiều người nói có nhưng chưa chỉ ra và xử lý được những ai có lợi ích nhóm vì mục đíchvụ lợi, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Về việc tham gia cổ phần với các doanh nghiệp của những xưởng gỗ dăm này để ăn chia lợi nhuận, tôi tin là có nhưng không nhiều. Vì đã làm lãnh đạo, nếu tham gia DN phải có tên tuổi trong DN, hoặc đứng tên vợ con mình. Nếu làm ăn không suôn sẻ, DN quay lại ép ông chính quyền, nếu không đáp ứng được thì DN công khai nói ra ngoài, rồi dân biết, Đảng biết, ảnh hưởng đến uy tín của ông chứ.

Xin cảm ơn ông!

Như Trang – Minh Minh (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến