Pepsico Việt Nam: Có điều gì đó không bình thường trong câu chuyện đúng pháp luật
08/12/2016 08:43:01
Có thể nói điều kiện tiên quyết để một thương hiệu đứng vững trên thị trường là tính minh bạch trong các hoạt động chứ không phải chỉ là hình ảnh thể hiện bên ngoài. Pepsico Việt Nam không minh bạch nguồn gốc nguyên liệu đầu vào (đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào), trả lời lấp lửng, né trả lời trực tiếp các thông tin mà dư luận báo chí, người tiêu dùng quan tâm có chăng là sự thiếu minh bạch của nhà sản xuất này. Và như vậy Pepsico Việt Nam đang rời xa, dần đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu của họ.

Tin liên quan

Né trả lời trực diện- điểm trừ của Pepsico Việt Nam

Như trước đó ANTT.VN đã thông tin về việc ngày 17/11/2016, Thanh tra Bộ Y tế công bố công khai Kết luận Thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty Pepsico Việt Nam. Trong kết luận, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Công ty Pepsico Việt Nam sử dụng 78 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm thực phẩm của công ty, bao gồm 21 nguyên liệu thực phẩm và 57 phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, trong kết luận Thanh tra Bộ Y tế không nêu tên cụ thể tên quốc gia, tên doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp phụ gia thực phẩm, cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty Pepsico Việt Nam sản xuất sản phẩm.

Mặc dù trước đó, các cơ quan truyền thông đã có thông tin về việc Pepsico Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất nước giải khát (trà Ô long Tea + Plus) gây nghi ngại trong người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã thất vọng khi tại kết luận thanh tra trên đã không công khai tên quốc gia, tên doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm cho Pepsico Việt Nam? Về vấn đề này, Pepsico Việt Nam cũng im lặng. Không phải lúc nào sự “im lặng cũng là vàng”, mà trong trường hợp này sự im lặng của nhà sản xuất vô hình chung đẩy người tiêu dùng rời xa với thương hiệu của họ, người tiêu dùng chới với đi tìm niềm tin vào sản phẩm nhưng không được minh bạch, rõ ràng!

Mặt khác, kết luận Thanh tra Bộ Y tế cũng cho biết hiện đang có bốn doanh nghiệp gia công sản phẩm cho Công ty Pepsico Việt Nam: Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam; Công ty TNHH Nihon Canpack; Công ty TNHH Tribeco Bình Dương và Chi nhánh Công ty CP bia Sài Gòn – Miền Trung tại Quy Nhơn.

Đáng chú ý trong 4 doanh nghiệp nêu trên, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam lại có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục an toàn thực phẩm số 001095/2016/ATTP-CNĐK trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thanh tra Công ty Pepsico Việt Nam.

Cụ thể, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày 3/10/2016.

Tức sau gần 1 tháng kể từ ngày thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế bắt đầu thanh tra Pepsico Việt Nam (ngày 7/9/2016 Thanh tra Bộ Y tế bắt đầu thanh tra toàn diện Công ty Pepsico Việt Nam).

Vấn đề là vậy trước ngày 3/10/2016, Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam có đủ điều kiện An toàn thực phẩm để sản xuất ra sản phẩm cho Pepsico Việt Nam không?

Mong muốn được minh bạch những vấn đề này, phóng viên cơ quan báo chí đã nhiều lần liên hệ với Pepsico Việt Nam để tìm các câu trả lời cho việc vì sao không công bố nguồn gốc nguyên liệu nhập từ quốc gia nào? Về Cty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam - một trong 4 đối tác gia công cho Pepsico Việt Nam mới được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm? Pepsico Việt Nam đang hợp tác với 4 doanh nghiệp để gia công sản phẩm là như thế nào? Gia công công đoạn nào hay sản xuất toàn bộ sản phẩm? Vì sao không minh bạch địa chỉ nhà máy sản xuất, không ghi rõ đơn vị gia công (nếu có)?

Thiết nghĩ trước những câu hỏi này, Pepsico Việt Nam có cơ hội để công khai minh bạch những vấn đề trên với công luận, với người tiêu dùng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng, nhưng tiếc rằng Pepsico Việt Nam lại chọn cách “né” trả lời trực tiếp mà chỉ trả lời chung chung rằng : “Công ty khẳng định luôn tuân thủ theo đúng quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn và điều kiện sản xuất”.

Cách trả lời ngắn gọn, nhưng “né” trả lời trực tiếp vào câu hỏi của phóng viên cơ quan báo chí như trên của Pepsico Việt Nam khiến cho người tiêu dùng, những người đã đặt niềm tin vào tính công khai minh bạch của thương hiệu lớn này phải thất vọng. Pepsico đang muốn giấu diếm điều gì? Tại sao Pepsico không công khai minh bạch về câu chuyện gia công về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào? Người tiêu dùng có nên tiếp tục đặt niềm tin vào một thương hiệu được coi là lớn này hay không… là những vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Đúng pháp luật và câu chuyện về điều gì đó không bình thường

Không tìm được câu trả lời rõ ràng, minh bạch từ Pepsico Việt Nam, phóng viên báo chí đi tìm câu trả lời từ cơ quan chức năng, ở đây là Thanh tra Bộ Y tế.

Với thắc mắc của phóng viên (trả lời trên Giaoducvietnam.vn) ông Nguyễn Văn Nhiên- Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế (người được giao làm Trưởng đoàn thanh tra Pepsico Việt Nam) cũng chỉ trả lời ngắn gọn là: “Kết luận của Thanh tra Bộ y tế đưa ra dựa trên kết quả kiểm tra thực tế tại Cty Pepsico Việt Nam và căn cứ theo quy định của pháp luật”. Vị Phó chánh thanh tra này không trả lời câu hỏi liên quan đến việc vì sao Thanh tra không cô bố nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Pepsico Việt Nam (đến từ những quốc gia nào).

Thời gian gần đây dư luận quen với những cụm từ: “Đúng quy trình”, “đúng pháp luật”. Nhưng đằng sau những câu chuyện “đúng quy trình” đó là những cái gì đó gờn gợn, chưa rõ ràng.

Như trước đó ANTT.VN đã thông tin đầu năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế thanh tra toàn diện các nhà máy của một hãng nước giải khát khác là Cty URC Việt Nam (sau vụ bê bối trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì). Tại kết luận thanh tra về hãng nước giải khát này, Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ: Công ty sử dụng 348 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm của công ty. Trong đó có 172 loại do công ty tự nhập khẩu, có 176 loại do công ty mua của các nhà cung cấp trong nước, hàng có xuất xứ từ: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan….

Như vậy, nguyên liệu đầu vào của sản xuất các sản phẩm nước giải khát… của URC được Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ nhập từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trong kết luận thanh tra.  Nhưng trong kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, khi nói về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu phụ gia thực phẩm, trong kết luận thanh tra chỉ cung cấp thông tin Pepsico Việt Nam tự nhập khẩu 15 loại nguyên liệu thực phẩm có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau; Tự nhập khẩu 49 loại phụ gia thực phẩm cũng có…. xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Cụ thể từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì Thanh tra Bộ Y tế không hề nhắc đến như với URC Việt Nam. Điều này có tạo nên được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo Bộ Y tế.

Như Trang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến