Dòng sự kiện:
Hậu thanh tra Pepsico: Câu chuyện về sự công bằng và minh bạch nguồn nguyên liệu đầu vào
05/12/2016 09:12:20
ANTT.VN - Trong năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra nhiều hãng nước giải khát tại Việt Nam, nhìn lại các kết luận thanh tra này thấy rằng có sự “khó hiểu” khi trong kết luận thì nêu rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào của nhà sản xuất, có kết luận thì không đả động gì đến quốc gia, vùng lãnh thổ nào cung cấp nguyên liệu cho nhà sản xuất. Có hay không câu chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh trong câu chuyện nguyên liệu này?

Tin liên quan

Câu chuyện về sự công bằng

Việc số lượng lớn sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của Cty URC bị nhiễm độc chì đã khiến dư luận hoang mang lo lắng, Cty này đã bị Bộ Y tế  xử phạt hàng tỉ đồng cho hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Ngay sau đó, Bộ Y tế cũng tiến hành thanh tra toàn diện các nhà máy sản xuất của hãng nước giải khát nhiều tai tiếng này.

Đầu tháng 8/2016, Thanh tra Bộ Y tế có kết luận thanh tra số 134/KL-TTrB về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty URC tại Việt Nam. Khi nói về nguồn gốc nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đồ uống, về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và việc kiểm tra Nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, kết luận thanh tra trên của Bộ Y tế nêu rõ: Công ty sử dụng 348 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm của công ty. Trong đó có 172 loại do công ty tự nhập khẩu, có 176 loại do công ty mua của các nhà cung cấp trong nước, hàng có xuất xứ từ: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Ảnh minh họa

Như vậy, nguyên liệu đầu vào của sản xuất các sản phẩm nước giải khát… của URC được Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ nhập từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trong kết luận thanh tra.

Nhưng trong kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, khi nói về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu phụ gia thực phẩm, trong kết luận thanh tra chỉ cung cấp thông tin Pepsico Việt Nam tự nhập khẩu 15 loại nguyên liệu thực phẩm có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau; Tự nhập khẩu 49 loại phụ gia thực phẩm cũng có…. xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Cụ thể từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì Thanh tra Bộ Y tế không hề nhắc đến như với URC Việt Nam.

Như trước đó Antt.vn đã phản ánh về việc nhiều cơ quan báo chí thông tin, phát hiện nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất trà Ô long Tea + Plus được nhập từ Trung Quốc. Nguyên liệu để sản xuất thực phẩm cần phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhập từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào là vấn đề được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Tại sao những vấn đề này không được minh bạch, công khai?

Việc nêu rõ và không nêu rõ nguồn nguyên liệu đầu vào có tạo nên sự công bằng giữa các nhà sản xuất?

Pepsico Việt Nam  đã tuân thủ việc ghi nhãn?

Ngày 12/9/2016, Thanh tra Bộ Y tế có kết luận thanh tra số 155/KL-TTrB về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH Nước giải khát Coca- Cola Việt Nam. Kết quả thanh tra cho thấy có 6 sản phẩm của hãng này có thiếu sót và bị tuýt còi trong việc ghi nhãn. Đó là nước giải khát Fanta hương cam, nước giải khát Sprite- chai thủy tinh, nước tăng lực hiệu Samurai- chai thủy tinh; nước tăng lực Samurai hương dâu… Những sản phẩm có nhãn hàng hóa sai phạm này đã được Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu nhà sản xuất phải khắc phục, báo cáo kết quả về Thanh tra bộ.

Trở lại với câu chuyện của Pepsico Việt Nam, người tiêu dùng nghi ngại về tính công khai minh bạch của nhà sản xuất này khi các sản phẩm không cung cấp thông tin về nơi sản xuất sản phẩm trên nhãn sản phẩm như quy định tại điều 14 (Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa): “Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó”.

Các sản phẩm của Pepsico Việt Nam không cung cấp nơi sản xuất sản phẩm được thể hiện trên nhãn sản phẩm. Lý giải cho điều này, trả lời trên báo chí, đại diện của Pepsico Việt Nam nói là thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Các văn bản được viện dẫn là Kết luận thanh tra của Bộ Y tế, các thông tư hướng dẫn liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa của liên bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương (Thông tư liên tịch số 34, năm 2014) và Thông tư số 14 (2007)  của Bộ Khoa học và Công nghệ làm căn cứ để nói rằng đang thực hiện đúng theo quy định.

Tuy nhiên, như trước đó ANTT.vn đã thông tin về việc các luật sư, các chuyên gia pháp lý đều khẳng định theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật văn bản nào có hiệu lực cao hơn thì phải tuân thủ theo văn bản ấy.

Cụ thể về ghi nhãn hàng hóa, Chính phủ đã có Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006. Điều 14 Nghị định này quy định rõ: “Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó”. Nghị định trên được ban hành căn cứ vào: Luật Thương mại, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, căn cứ vào Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa… Vì đó, quy định này bắt buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất trong nước phải tuân thủ.

Tại Điều 12: Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm (Thông tư liên tịch số 34 về việc Hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn) có hướng dẫn: “Trường hợp sản phẩm được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh nhưng mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất thì trên nhãn ghi địa chỉ cơ sở sản xuất ra sản phẩm đó hoặc tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm nhưng phải đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc”.

Hoặc tại Thông tư hướng dẫn về việc ghi nhãn số 14 của Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng: “Đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa có nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, các hàng hóa mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất, kinh doanh được phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó nếu được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận chất lượng của hàng hóa này phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đã công bố”.

Các thông tư hướng dẫn của cơ quan cấp bộ trên là văn bản có hiệu lực pháp luật thấp hơn Nghị định của Chính phủ và cần phải thực hiện theo hướng dẫn của văn bản có hiệu lực pháp luật cao hơn. Vì đó, việc công khai nơi sản xuất sản phẩm là đòi hỏi chính đáng của cộng đồng người tiêu dùng, khi có khủng hoảng về an toàn thực phẩm có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nơi sản xuất sản phẩm.

Như Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến