Petrovietnam: Giọt đắng đầu tư trái ngành
10/10/2014 11:20:30
ANTT.VN - Hiện tại, PVN nắm giữ 20% vốn tại Ocean Bank và 52% vốn tại PVCombank. Phương án thoái vốn tại 2 nhà băng được lên “kịch bản” từ lâu nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy tờ, chờ cơ hội thực hiện.

Có thể nói, kể từ khi khủng hoảng kinh tế diễn ra vào năm 2008, Petrovietnam đã quán triệt nhận thức tạo tiền đề bắt đầu thực hiện quá trình tái cấu trúc với định hướng thoái vốn ở hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp, dự án không thuộc lĩnh vực chính hoạt động kém hiệu quả, tránh tình trạng “tay ngoài dài hơn tay trong”. Theo đó, sau khi hoàn thành tái cấu trúc, Tập đoàn sẽ chỉ giữ lại Công ty mẹ và Tổng cong ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) 100% vốn Nhà nước, các đơn vị còn lại sẽ được thực hiện cổ phần hóa. Hiện tại, PVN có 5 đơn vị chưa cổ phần hóa, nếu thuận lợi sẽ cổ phần 3 đơn vị từ nay đến năm 2015, còn Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ thực hiện cổ phần hóa sau năm 2015.

Tại cuộc họp báo ngày 8/10/2014, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) Nguyễn Xuân Sơn cho biết, hoạt động tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp của Tập đoàn sẽ được triển khai theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đoạn tuyệt bất động sản, tài chính?

Hoạt động kinh doanh chính của PVN là nghiên cứu, tìm hiểu, thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước. Dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu của Bộ Tài chính nêu rõ: “Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định (bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) phải có phương án cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn góp. Việc thoái vốn tại các lĩnh vực này phải hoàn thành trước ngày 31-12-2015”.

PVN đứng thứ 2 trong danh sách đầu tư ngoài ngành (sau Tập đoàn Công nghiệp Cao su), trong đó riêng mảng tài chính ngân hàng lên tới 5.636 tỷ đồng, chiếm đến 52,6% tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này của 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đề án thoái vốn tại PVcombank của PVN vẫn nằm trên bàn giấy

Với khoản đầu tư vào 11 doanh nghiệp ngoài ngành, ông Lê Minh Hồng- Phó TGĐ PVN cho hay vốn đầu tư Tập đoàn cần thoai tại các đơn vị này không lớn, tập trung ở 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đại Dương và Ngân hàng TMCP Đại chúng khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Hiện tại, PVN nắm giữ 20% vốn tại Ocean Bank và 52% vốn tại PVCombank. Phương án thoái vốn tại 2 nhà băng được lên “kịch bản” từ lâu nhưng đến nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì việc tiến hành cần phối hợp với hệ thông ngân hàng để đảm bảo an toàn cho quá trình tái cấu trúc.

Về bất động sản, Tập đoàn chỉ đạo công ty con PVI (hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư tài chính) rút vốn khỏi công ty CP Đầu tư và Phát triển quốc tế Nhà Việt, theo đó năm 2013 bán 74,5 tỷ đồng cổ phiếu cho công ty du lịch Dầu khí Sapa PVST. PVI cũng đã bán cổ phần PV2 và giảm tỷ lệ sở hữu ở đây từ 36% xuống còn 32%. Trên thực tế, các công ty trên đều là công ty con, công ty liên kết của PVN, việc chuyển nhượng cổ phiếu, rút vốn chạy vòng quanh trong nội bộ tập đoàn.

Gánh hệ quả của Vinashin, Vinalines

Năm 2010, khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, PVN nhận bàn giao công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất  và công ty TNHH khu công nghiệp Lai Vu. Tại ngày bàn giao, tổng tài sản và giá trị tài sản thuần của 2 công ty là 7.306 tỷ VND và (967) tỷ.  Đại diện PetroVietnam cho biết, riêng đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung quất chuyển từ Vinashin sang không có đủ điều kiện cổ phần hóa do số vốn đầu tư quá lớn, đến nay giá trị vốn Nhà nước đã cạn sạch.

Trong khi đó, khoản tín dụng đã quá hạn thanh toán mà Công ty tài chính CP dầu khí Việt Nam (PVFC) cấp cho một số công ty thuộc tập đoàn Vinashin là 1.057 tỷ đồng, và Vinalines là 1.607 tỷ. Đây được tính là khoản nợ xấu mà PVFC  phải xử lý, trích lập dự phòng đối với khoản tín dụng quá hạn hơn 100 tỷ đồng.

Đại án Vinashin, Vinalines gây ảnh hưởng đến PVN

Những bê bối của Tập đoàn Vinashin, Vinalines gây ảnh hưởng lớn đến lộ trình cổ phần hóa đã đưa ra của PVN. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2015 mà không cổ phần hóa được thì Tập đoàn sẽ nghiên cứu chuyển sang hình thức quản lý khác là công ty cổ phần.

Trong những tháng đầu năm 2014, Tổng Công ty CP dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) đã tiến hành thanh lý 2 khách sạn thuộc PSMT do kinh doanh thua lỗ kéo dài. Việc rà soát để xem xét tình hình kinh doanh các dự án đầu tư của PVN sẽ được thực hiện sát sao, tiến hành xử lý nhanh gọn các đơn vị hoạt động không hiệu quả, bảo toàn vốn của Tập đoàn.

Như vậy, từ nay đến hết năm 2015 chỉ còn khoảng thời gian ngắn để PVN thực hiện tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra. Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp thuộc PetroVietnam đã có những nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng xem ra, quá trình tái cơ cấu toàn diện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà PVN không kiểm soát được.

Hoa Liên
 
 
 
 
 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến