Dòng sự kiện:
PGS Trần Đắc Phu: 'Người dân không nên tự test nhanh Covid-19'
18/07/2021 13:55:01
Bộ Y tế quy định cơ sở y tế là đơn vị thực hiện các xét nghiệm này. Chuyên gia lo ngại người dân có thể mua phải test nhanh trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

Trao đổi bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 sáng 18/7, PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo người dân không nên tự mua và thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19.

Theo ông Phu, thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19 là loại sinh phẩm liên quan sức khỏe nên phải được Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Bộ Y tế quy định các cơ sở y tế là nơi thực hiện các xét nghiệm nhanh này. Người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh vì có thể mua phải test trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp có triệu chứng nghi mắc Covid-19 như ho, sốt hoặc sau khi nhiễm từ 2-7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện ra người dương tính với SARS-CoV-2.

Theo chuyên gia, người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh vì có thể mua phải test trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Duy Hiệu.

PGS Trần Đắc Phu cũng cho biết xét nghiệm nhanh Covid-19 được thực hiện miễn phí với các trường hợp có nguy cơ mắc (có triệu chứng, trở về từ vùng có nguy cơ...). Xét nghiệm nhanh có giá trị chứng nhận tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2 và không phải là nguồn bệnh lây sang người khác. Sau thời điểm đó, người được xét nghiệm vẫn có nguy cơ nhiễm virus nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đề cập thêm về việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết quyết được đưa ra dựa trên mức độ nguy cơ dịch bệnh. Theo Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, giãn cách có thể thực hiện ở cấp xã, huyện, tỉnh hoặc khu vực và toàn quốc.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An... căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Các địa phương này có mối giao lưu, quan hệ chặt chẽ. Đây là biện pháp để ngăn chặn lây lan dịch bệnh giữa các tỉnh trong khu vực với nhau, đặc biệt từ TP.HCM.

Theo ông Phu, ở mỗi địa phương sẽ có những xã, huyện có nguy cơ rất cao và những vùng có nguy cơ thấp hơn. Việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ làm giảm tốc độ lây lan của dịch ở các địa phương có nguy cơ cao và đảm bảo an toàn cho khu vực khác. Tùy tình hình dịch bệnh, đặc điểm kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa thiết yếu, mỗi địa phương có cách áp dụng Chỉ thị 16 phù hợp, đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, tránh những ảnh hưởng không đáng có tới an sinh xã hội.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo khi thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương cần lưu ý thực hiện nghiêm nhưng phải tính toán phương án giao thông thông suốt, hạn chế ách tắc và sắp xếp lại phù hợp những loại hình sản xuất kinh doanh. Địa phương phải lưu ý đến vấn đề xe liên tỉnh, liên huyện, không nên đặt ra những quy định không cần thiết, trái với quy định của các cấp có thẩm quyền.

"Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm, tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng. Tránh hiện tượng áp dụng để phòng chống dịch nhưng vô tình tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và công tác phòng chống dịch", ông Phu nhấn mạnh.

Tác giả: Ngọc Lan

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến