UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đã trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án Thí điểm trồng hoa và cây cảnh (đề án) tại khu vực đầm 7, cụm 1 trên địa bàn. Khu vực này cũng là nơi tồn tại "trái phép" Thung lũng hoa Hồ Tây được ông B.M.H. (chủ đầu tư; trú tại địa phương) sử dụng, đầu tư vào mục đích kinh doanh dịch vụ để kiếm lời.
Nhiều công trình, hạng mục "mọc" trái phép ở Thung lũng hoa Hồ Tây đang được tháo dỡ (Ảnh: Hữu Hưng).
Theo ông Công Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, sau khi tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn trên địa bàn được khởi động lại, chính quyền sở tại quyết định hoàn thiện thêm tuyến đường đôi từ phố đi bộ đến cổng Thung lũng hoa Hồ Tây.
"Trong quá trình chờ đợi đề án được phê duyệt, phường có yêu cầu ông H. phá dỡ tất cả các hạng mục không phù hợp. Hiện nhiều hạng mục dọc tuyến đường đôi nối từ phố đi bộ đến cổng Thung lũng hoa Hồ Tây đang được ông H. phá dỡ" - ông Tuấn nói.
Lý giải vì sao không yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ toàn bộ các công trình "mọc" trái phép ở Thung lũng hoa Hồ Tây, ông Tuấn cho biết, khi đề án được phê duyệt thì theo nhu cầu thực tế, nơi này vẫn cần phải có nhà bảo vệ, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ. Vì vậy, các công trình phù hợp với đề án tạm thời được tồn tại; công trình nào không phù hợp thì phường đã yêu cầu dỡ bỏ.
Sau khi cổng ra vào cũ bị tháo dỡ, chủ đầu tư đã chuyển cổng mới đến ngã 3 đường Âu Cơ - Nhật Chiêu để tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Thung lũng hoa Hồ Tây (Ảnh: Nguyễn Trường).
Đối với nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, vị lãnh đạo UBND phường Nhật Tân cho hay, khi đề án được phê duyệt chính thức thì cơ quan chức năng sẽ bắt đầu tính thuế rồi truy thu lại theo từng năm đối với ông H.
Tiếp đó, chính quyền sở tại sẽ xây dựng phương án đấu thầu. Mọi công dân trên địa bàn phường đều có quyền đấu thầu đối với khu vực này. Phường Nhật Tân đã yêu cầu ông H. ký cam kết trong trường hợp người này không trúng thầu thì sẽ phải tự thu dọn toàn bộ tài sản, công trình kiến trúc còn lại trên đất. Những hạng mục mà ông H. để lại, không tự thu dọn sẽ không được tính giá trị để bồi thường.
Đối với quầy hàng hiện tại xuất hiện tại ngã 3 đường Âu Cơ - Nhật Chiêu, theo ông Tuấn, trước đâycông trình này là mô hình Cột cờ Hà Nội. Do "yếu tố nhạy cảm" nên phường đã yêu cầu tháo dỡ mô hình này. Sau đó, chủ đầu tư giữ lại phần bệ, cải tạo thành quầy bán hàng.
Hình ảnh Thung lũng hoa Hồ Tây được chụp từ trên cao hồi tháng 9/2020 (Ảnh: Hữu Hưng).
Như Dân trí đã đưa tin, Thung lũng hoa Hồ Tây được ông H. đầu tư xây dựng, thu hút người dân tới thưởng ngoạn ngắm cảnh, chụp ảnh, vui chơi ăn uống...
Nhằm đáp ứng nhu cầu dừng chân nghỉ ngơi của du khách, hàng chục nhà hàng, quán ăn, nhà chòi… được chủ đầu tư dựng lên.
Để có thể thưởng ngoạn cảnh sắc, chụp ảnh… bên trong thung lũng hoa, mỗi cá nhân phải mua vé vào cửa có giá 100.000 đồng/người/lượt đối với người lớn; nếu ăn uống và sử dụng dịch vụ khác tại đây có giá khoảng 250.000 đồng/người/lượt.
Tuy nhiên, từ nhiều năm, toàn bộ các công trình và quần thể kiến trúc ở Thung lũng hoa Hồ Tây đều chưa được cơ quan chức năng cho phép triển khai cũng như cấp phép cho chủ đầu tư sử dụng theo quy định.
Trả lời PV vào hồi tháng 9/2020, ông Phạm Thế Vinh - Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (hiện đã luân chuyển công tác) - cho biết việc thung lũng này bất ngờ "mọc" là do "lịch sử để lại".
"Các công trình trong khu vực này được hình thành trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016. Qua các thời kỳ, UBND phường cũng đã ra rất nhiều văn bản để xử lý vi phạm" - ông Vinh phân bua.
Một số hình ảnh mà PV Dân trí vừa ghi nhận tại Thung lũng hoa Hồ Tây:
Nhiều hạng mục "mọc" trái phép ở Thung lũng hoa Hồ Tây và không phù hợp với đề án đã bị chính quyền sở tại yêu cầu phá dỡ (Ảnh: Hữu Hưng).
Hình ảnh công nhân tiến hành tháo dỡ các hạng mục dọc tuyến đường đôi nối từ phố đi bộ đến cổng Thung lũng hoa Hồ Tây (Ảnh: Nguyễn Trường).
Một phần đất trên Thung lũng hoa Hồ Tây đã được cải tạo, trồng cây để phục vụ nhu cầu cắm trại, nghỉ ngơi của du khách (Ảnh: Hữu Hưng).
Vị trí mô hình Cột cờ Hà Nội (bên trái) được cải tạo thành quầy bán hàng ở Thung lũng hoa Hồ Tây (Ảnh: Nguyễn Trường).
Đối với nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, vị lãnh đạo UBND phường Nhật Tân cho hay, khi đề án được phê duyệt chính thức thì cơ quan chức năng sẽ bắt đầu tính thuế rồi truy thu lại theo từng năm đối với ông H. (Ảnh: Nguyễn Trường).
Chính quyền sở tại quyết định hoàn thiện thêm tuyến đường đôi từ phố đi bộ đến cổng Thung lũng hoa Hồ Tây - ô đất được kẻ vạch màu đỏ (Ảnh: Google Maps).
Tác giả: Nguyễn Trường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy