Phá giá đồng Nhân dân tệ, doanh nghiệp Việt bị đẩy vào thế bí
15/08/2015 10:20:51
Theo một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc, động thái điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ngày 13/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 ngày. Theo đó, tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ được thiết lập ở mức 6,4010 Nhân dân tệ đổi 1 USD; giảm 1,1% so với mức 6,3306 Nhân dân tệ/USD của ngày 12/8.

Trước đó, trong hai ngày 11 và 12/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ hai lần, với mức giảm tương ứng lần lượt là 1,9% và 1,6%.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp Việt sợ nhất điều gì?

Trước động thái này từ phía Trung Quốc, không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lo lắng việc xuất khẩu sang thị trường này tới đây sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn, doanh nghiệp có thể bị buộc phải hạ giá bán hoặc cạnh tranh với doanh nghiệp từ nước khác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, cũng có không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ cạnh tranh với hàng Việt trên chính "sân nhà".

Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và thương mại Tôn Vinh cho biết, thị trường Trung Quốc đang chiếm 30% xuất khẩu của công ty. Giá cả tuỳ các mặt hàng nhưng từ đầu năm đến nay tương đối ổn định. Doanh thu mỗi năm đạt 160 tỷ đồng.

Ông Ái đánh giá, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ về lâu dài doanh nghiệp bị thua thiệt.

"Tôi mong rằng Nhà Nước sẽ cân nhắc và có chính sách phù hợp để hỗ trợ chúng tôi hoạt động ổn định và không phải lép vế khi cạnh tranh với hàng hoá của các nước”, ông Ái nói.

Cùng chung lo ngại trên, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hoá chất sang Trung Quốc tại tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, việc phá giá đồng Nhân dân tệ về lâu dài sẽ khiến công ty sẽ bị giảm lợi nhuận.

Tuy nhiên, điều ông lo ngại hơn là phía đối tác Trung Quốc ngừng mua hoặc ép giá giảm. "Nếu Trung Quốc ngừng mua thì doanh nghiệp sẽ điêu đứng. Vì vậy điều chúng tôi mong nhất hiện giờ là các doanh nghiệp Trung Quốc kí kết hợp tác trực tiếp nhập khẩu hàng để không phải qua khâu trung gian”, vị này nói.

Không đối phó, doanh nghiệp sẽ thất bại

Trao đổi với BizLIVE, TS. Đào Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Trung Quốc liên tục phá giá thêm, trong hoàn cảnh hội nhập ASEAN+1, hàng hoá từ Trung Quốc về 0% chắc chắn cán cân xuất nhập khẩu có biến động mạnh, xuất khẩu Trung Quốc ra nước ngoài nhiều hơn trong đó có Việt Nam.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, TS, Đào Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI

"Nếu Hiệp định đó có hiệu lực thì hàng hoá Trung Quốc sang Việt Nam nhiều hơn nữa ảnh hưởng mạnh đến kinh tế đất nước, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô", ông Khương dự báo.

Ông Khương đặc biệt nhấn mạnh, sự ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ rất lớn, nếu không có chiến lược đối phó, doanh nghiệp Việt sẽ thất bại.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất và nhập khẩu biên mậu nghiêm trọng từ thị trường này chênh lệch đến 20 tỷ USD và chưa được lý giải thuyết phục. Do đó, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Bình luận thêm về chính sách biên mậu, ông Doanh cho rằng chính sách có chứng minh thư nhân dân được phép mua 2 triệu đồng hàng Trung Quốc không đóng thuế khiến hàng Trung Quốc giá rẻ rồi càng rẻ nữa tràn vào Việt Nam. "Do đó cần sự đánh giá, thay đổi chính sách hạn chế tình trạng buôn lậu", ông Doanh kiến nghị.

Cũng theo ông Doanh, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng giá trong khi đó nhà nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đòi giảm giá bằng được cũng là áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi các chỉ số đầu vào không thể giảm thêm.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến